Qua gần 3 năm triển khai thực hiện các tiêu chí về y tế trong xây dựng NTM, nhiều trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, cán bộ, nhân viên y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, đưa dịch vụ y tế đến với người dân, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Tại các xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010, diện mạo y tế nông thôn có bước thay đổi, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác VSATTP, vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, công tác phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo, khả năng sơ cứu và khám, chữa bệnh (KCB) được nâng cao. Khảo sát tình hình thực hiện tiêu chí y tế tại 96 xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 có 92 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010, còn trạm y tế ở 4 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn quốc gia gồm Lộc An (TP Nam Định), Yên Tân (Ý Yên), Trực Hưng (Trực Ninh) và Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). So với Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, hiện trong 96 xã tham gia xây dựng NTM có 15 trạm y tế xã (chiếm 15,62%) cơ bản đạt, đang được các trung tâm y tế huyện, thành phố đề nghị xét công nhận.
Xã Đồng Sơn (Nam Trực) triển khai xây dựng trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí NTM với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng NTM vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ở hầu hết các xã, thị trấn trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng ở nhiều trạm y tế xã đều xuống cấp. Toàn tỉnh vẫn còn 25 trạm y tế xã chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010. Công năng phục vụ của trạm y tế còn hạn chế do thiếu nhân lực và thiết bị cận lâm sàng, các chỉ tiêu KCB bằng y học cổ truyền (YHCT), DS-KHHGĐ, BHYT toàn dân, vấn đề vệ sinh môi trường đều chưa đạt. Hầu hết các trạm y tế không có kinh phí mua sắm trang thiết bị theo Bộ tiêu chuẩn mới ban hành… Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế đã cấp từ nguồn ngân sách của ngành 4,7 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế xã. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách địa phương, hiện có 9 trạm y tế xã đã được cấp đủ vốn xây dựng mỗi xã 1 tỷ 500 triệu đồng, 8 trạm y tế xã được hỗ trợ xây dựng, mỗi trạm 500 triệu đồng từ năm 2011, năm 2012 được tiếp tục hỗ trợ mỗi xã 700 triệu đồng theo Quyết định 370/QĐ-UBND ngày 9-3-2012 của UBND tỉnh. Năm 2012, Trạm y tế xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được hỗ trợ xây mới cơ sở hạ tầng với kinh phí 520 triệu đồng. Năm 2013, 15 trạm y tế xã đã được hỗ trợ xây mới, mỗi trạm 600 triệu đồng. Riêng xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), mới hỗ trợ 580 triệu đồng. UBND các xã, phường, thị trấn đang tập trung kinh phí xây dựng, cải tạo trạm y tế nhằm đáp ứng điều kiện kỹ thuật trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Ngành Y tế cung cấp đủ trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu phục vụ KCB thông thường, KCB BHYT, triển khai việc cung cấp thiết bị cận lâm sàng cho một số trạm y tế có nhu cầu từ nguồn kinh phí xã hội hoá và hỗ trợ của Trung ương; nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp, thoát nước, công trình vệ sinh trạm y tế từ nguồn ngân sách địa phương và từ nguồn kinh phí dự án vệ sinh môi trường nông thôn… Ngành Y tế tỉnh cũng tập trung kinh phí xây dựng và có biện pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để đảm bảo đủ kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo các trạm y tế trên địa bàn. Một khó khăn nữa là tỷ lệ và nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa cao, không ít xã còn lúng túng trong xác định tỷ lệ và nhóm đối tượng tham gia BHYT; việc thanh toán BHYT còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân. Theo số liệu của Sở Y tế, đến hết tháng 6-2013, mới có 51,3% số dân toàn tỉnh tham gia BHYT, trong khi tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT theo quy định NTM là 70%. Sở Y tế và BHXH tỉnh đang đề ra các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các xã điểm; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Luật BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện tốt quy trình giám định KCB BHYT nhằm đơn giản hóa và giảm phiền hà cho người bệnh; tăng cường kiểm tra công tác tổ chức KCB, thanh toán chi phí KCB BHYT... Phấn đấu đến hết năm 2013, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của toàn tỉnh tăng lên 65%… Hiện nay, phần lớn nguồn nhân lực ngành Y tế mới bảo đảm được số lượng nhưng chưa đủ chủng loại cán bộ, còn thiếu bác sỹ, y sỹ YHCT. Cán bộ y tế cơ sở chưa có điều kiện để thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn. Trạm trưởng trạm y tế hầu hết chưa được đào tạo, tập huấn về quản lý Nhà nước nên năng lực quản lý chưa đáp ứng được so với yêu cầu; khả năng tham mưu, xây dựng kế hoạch còn hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác KCB... Để từng bước khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, Sở Y tế đã tham mưu với tỉnh tăng cường chính sách, giải pháp đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y - dược có trình độ đại học. Về vấn đề vệ sinh môi trường, từ tháng 9-2012, ngành Y tế đã triển khai thực hiện dự án Vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015. Trung tâm YTDP tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực triển khai ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến xã. Dự án đang và sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh của 500 nghìn hộ dân với gần 1,7 triệu người và gần 200 trạm y tế xã vùng nông thôn của tỉnh thông qua hoạt động hỗ trợ, vận động xây dựng mới hoặc cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước… Năm 2013, ngành Y tế tiếp tục triển khai các hoạt động trong dự án Vệ sinh nông thôn, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, ngành Y tế cũng cần tập trung xây dựng mô hình trạm y tế chuẩn để nhân rộng ra các xã NTM và các xã trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận