Hội Đông y tỉnh hiện có gần 320 hội viên. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên có đủ điều kiện tham gia đăng ký hành nghề, mở phòng chẩn trị phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện tại mạng lưới phòng chẩn trị của Hội phát triển mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, lương y, đồng thời vận động những lương y giỏi, những người có môn thuốc gia truyền truyền thụ, phổ biến phương pháp, áp dụng rộng rãi trong chữa trị cho người bệnh.
Khám bệnh, bốc thuốc cho người dân tại cơ sở khám, chữa bệnh bằng đông y Nam Sơn Đường, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Ngoài Phòng chẩn trị Y học cổ truyền của Hội Đông y tỉnh và các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 phòng chẩn trị của hội viên. Hằng năm, các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền trong tỉnh đã tích cực tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân, chấp hành tốt các quy định về hành nghề y học cổ truyền và Luật Khám chữa bệnh. Các cá nhân đủ điều kiện hành nghề được cấp chứng chỉ, các phòng chẩn trị y học cổ truyền được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Các cơ sở hành nghề đều chấp hành tốt quy chế chuyên môn trong công tác khám, chữa bệnh. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền đạt hiệu quả cao, đặc biệt, trong việc điều trị các bệnh như di chứng tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, đau thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, đau vai gáy, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mãn, bệnh trĩ, sỏi thận, các bệnh mãn của người già... Để nâng cao trình độ chuyên môn cho các hội viên, Hội Đông y tỉnh đã xây dựng Đề án tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam. Một số chi hội cấp xã còn phối hợp với trạm y tế xã kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để chữa trị cho bệnh nhân. Hằng năm, các cấp hội đều triển khai công tác nghiên cứu kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, xác định những bệnh ưu tiên chữa bằng y học cổ truyền, những bệnh cần kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Hội cũng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ trong các lĩnh vực của y dược học cổ truyền, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá việc ứng dụng y dược học cổ truyền nhằm phát huy tiềm năng của y dược học cổ truyền phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân đẩy mạnh việc trồng và sử dụng thuốc nam với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”; vận động hội viên lương y giỏi phổ biến những bài thuốc quý. Nhờ đó hàng trăm bài thuốc, cây thuốc chữa bệnh được nhiều hội viên áp dụng trong công tác khám, chữa bệnh hiệu quả. Tiêu biểu như Hội Đông y huyện Hải Hậu, hiện có 1 phòng chẩn trị, 18 chi hội đông y cơ sở với trên 170 hội viên và 7 chi hội đông y hoạt động lồng ghép với các trạm y tế. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên, Hội Đông y tỉnh đã cử 4 lương y đi học khoá đào tạo bác sĩ, mở 2 lớp nâng cao về kỹ thuật châm cứu y học cổ truyền cho trên 170 lương y. Hằng năm Hội còn làm tốt các công tác từ thiện nhân đạo khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, đối tượng chính sách, người già, trẻ em tàn tật… các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền của huyện ngày càng tạo được niềm tin đối với người dân trong và ngoài huyện. Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên các cấp hội cơ sở còn thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, môn thuốc quý để áp dụng rộng rãi trong chữa trị bệnh; tích cực phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân, hướng dẫn nhân dân trồng, sử dụng cây thuốc nam tại gia đình đảm bảo nguồn dược liệu phục vụ việc phòng, chữa bệnh kịp thời.
Những năm tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia trong các tổ chức hội. Thường xuyên kiện toàn tổ chức Hội các cấp, khuyến khích hội viên tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; kết hợp khám, chữa bệnh giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tích cực nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các bài thuốc quý trong dân gian… Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là việc chăm sóc sức khoẻ người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, các đối tượng có thẻ BHYT…
Bài và ảnh: Minh Thuận