Tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc. Nhiều sản phẩm thủ công ở các làng nghề không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng mà trở thành sản phẩm văn hóa gắn liền với thương hiệu làng nghề như: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, cây cảnh Vị Khê... Để làng nghề phát triển bền vững mà vẫn lưu giữ được bản sắc, tinh hoa văn hóa, hàng trăm năm qua, các làng nghề truyền thống đã duy trì và giữ nghề theo phương thức “cha truyền, con nối”. Bởi, nếu người học nghề được người có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, tâm huyết trực tiếp truyền dạy nghề thì công tác đào tạo, truyền nghề và việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả cao. Các nghệ nhân làng nghề không chỉ truyền cho học trò kỹ năng làm nghề, mà còn “giữ lửa” và trao truyền cho thế hệ trẻ nhiệt huyết, “sinh, tử” với nghề, giữ gìn nghề cổ truyền. Do đó, để duy trì và phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ CNH-HĐH, các làng nghề đã thành lập hiệp hội làng nghề nhằm tập hợp, thu hút những người làm nghề cùng chung tay gây dựng để làng nghề ngày càng phát triển.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức đang truyền nghề cho các thợ trẻ tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). |
Là địa phương thành công trong việc mở rộng ngành nghề nông thôn, huyện Hải Hậu có 18 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Ngoài việc hỗ trợ cho làng nghề phát triển, huyện đặc biệt quan tâm đến việc vinh danh nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống. Hiện huyện có 37 nghệ nhân các ngành nghề. Các nghệ nhân làng nghề trong huyện đã thành lập CLB như: CLB nghệ nhân sinh vật cảnh, CLB nghệ nhân nghề mộc; CLB nghệ nhân nghề chạm khắc gỗ... Các CLB nghệ nhân làng nghề thường xuyên tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, nâng cao tay nghề và truyền nghề cho lớp trẻ. Làng nghề sản xuất đồ gỗ xây dựng của thôn Phạm Rỵ, xã Hải Trung được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ngoài việc tham gia xây dựng các công trình thờ tự trên địa bàn, các thợ giỏi của làng nghề đã được mời tham gia phục dựng các nhà thờ, đền đài ở nhiều tỉnh, thành phố, như Đền thờ Bác Hồ ở tỉnh Trà Vinh, chùa Bích Câu - Đạo Quán, chùa Giàn (Hà Nội), chùa Đậu ở Thường Tín (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) và các ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ ở Huế, Ninh Bình... Nghệ nhân nghề mộc Phạm Quốc Toản có thời gian làm nghề hơn 50 năm cho biết, xây dựng công trình thờ tự đòi hỏi người thợ vừa phải có kiến thức về kiến trúc cổ, có kỹ thuật cao, vừa phải tâm huyết với nghề. Hầu hết những người thợ trong làng khi tham gia làm nghề tuy không được qua trường lớp đào tạo, không có giáo trình giảng dạy chi tiết nhưng được chúng tôi truyền dạy những kinh nghiệm đã được đúc rút, kiểm nghiệm trong quá trình làm nghề. Thông thường mỗi khi làm công trình chúng tôi đều phân công công việc xen ghép giữa thợ giỏi và thợ trẻ để vừa giải quyết công việc thuận tiện, vừa truyền dạy kinh nghiệm làm nghề cho lớp trẻ. Đến nay, thôn Phạm Rỵ có khoảng 350 hộ làm nghề mộc xây dựng, trong đó có hơn 50% là lao động trẻ có tay nghề cao có thể đảm đương được các phần việc khó và có khả năng đưa máy móc vào quá trình sản xuất làm tăng năng suất lao động mà vẫn giữ được dấu ấn riêng của các công trình do bàn tay người thợ thôn Phạm Rỵ làm ra. Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ thờ tự trong gia đình như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng, sập gụ, tủ chè… Để giữ gìn và phát triển làng nghề bền vững, các nghệ nhân trong làng đã thành lập Hiệp hội làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên với 28 hội viên cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Mới đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng hiệp hội làng nghề đã tập hợp được hầu hết những thợ lành nghề trong làng, khuyến khích các thành viên sản xuất những sản phẩm đặc trưng của làng và đào tạo lớp thợ trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, các thành viên hiệp hội luôn coi việc lưu giữ nghề và truyền dạy nghề cho lớp con cháu là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Hiện, xưởng sản xuất của ông thường xuyên có 5-10 lao động được ông trực tiếp kèm cặp, truyền nghề theo cách vừa học, vừa làm. Với quy trình truyền dạy có hệ thống từ cách chọn cây gỗ tốt, đến tạo dáng, đục thủng, đục vỡ, đục tuông, gọt, nạo, tỉa tách; bí quyết ghép mộng, tạo dáng và đánh bóng sản phẩm đến việc giới thiệu truyền thống, dấu ấn đặc trưng trong từng sản phẩm, các tích chuyện thể hiện trên sản phẩm nên thời gian đào tạo học trò kéo dài đến vài ba năm. Bên cạnh đó ông còn truyền cho lớp thợ trẻ lòng yêu nghề, tính sáng tạo và kết hợp giữa kỹ thuật gia truyền với nghệ thuật hội họa, điêu khắc để có được tác phẩm hoàn hảo. Ở các làng nghề đúc đồng thôn Tống Xá, xã Yên Xá và thôn Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) lại có cách truyền nghề độc đáo. Với bí quyết “gia truyền” các lớp nghệ nhân truyền dạy nghề cho con cháu từ nhỏ và tỉ mỉ từ cách chọn đất, nhìn hình ước lượng tỷ lệ làm khuôn, những bí quyết gia truyền, nghe tiếng đồng sôi mà đoán định giờ đúc khuôn… Nhiều gia đình ở làng nghề Tống Xá và Vạn Điểm có đến 3-4 đời nối tiếp nhau làm nghề. Ông Nguyễn Văn Thiếp ở thôn Tống Xá, gắn bó với nghề từ khi tóc còn để chỏm. Nhờ tích cực truyền nghề, dẫn dắt các con đến nay cả 4 người con trai của ông đều nối nghiệp với trình độ tay nghề cao, phát triển thêm 4 xưởng đúc và sản xuất các loại chi tiết máy phục vụ ngành công nghiệp nặng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Các nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống luôn giữ vai trò “rường cột” của quá trình sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật. Nhưng để việc truyền nghề và giữ nghề trong các làng nghề truyền thống đạt hiệu quả cao, các địa phương cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy nghề; tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề, biên soạn giáo án dạy nghề theo đặc trưng của từng làng nghề và đối tượng truyền dạy để các nghệ nhân có điều kiện vừa đứng lớp truyền dạy lý thuyết, vừa tổ chức rèn luyện kỹ năng thực hành nghề cho học viên. Các Trung tâm dạy nghề đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức giảng dạy, truyền nghề cho lao động trẻ để khai thác bí quyết, kinh nghiệm, kỹ xảo truyền thống. Đây cũng chính là cách tôn vinh nghề, quảng bá hình ảnh nghề hiệu quả, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương