Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
I - Thực trạng hoạt động của các HTX
Nghị quyết số 13/NQ-TW xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt”, đồng thời chỉ ra “cần củng cố những tổ hợp tác và HTX hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế HTX với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực địa bàn có điều kiện”. Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) được ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 16-4-2003 về “Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế HTX nông nghiệp, diêm nghiệp theo Luật HTX”. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.
Sản xuất các sản phẩm từ cói để xuất khẩu ở cơ sở của ông Vũ Ngọc Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng). |
Theo số liệu thống kê năm 2011, toàn tỉnh có trên 456 nghìn hộ nông thôn. Trong đó hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có trên 244 nghìn hộ; số hộ sản xuất công nghiệp và xây dựng là 93 nghìn hộ; số hộ làm dịch vụ là trên 76 nghìn hộ. Quá trình sản xuất kinh doanh đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển. Đối với loại hình tổ hợp tác, toàn tỉnh hiện có 56 tổ hợp tác với trên 2.600 thành viên, hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản với nhiều ngành nghề chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cung ứng vật tư nghề cá, sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản và các ngành nghề TTCN khác. Đối với loại hình HTX, toàn tỉnh có 469 HTX và 1 liên hiệp HTX với trên 575 nghìn xã viên, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 336 HTX (gồm 304 HTX nông nghiệp, 1 HTX chăn nuôi, 14 HTX thủy sản và 17 HTX sản xuất muối); lĩnh vực giao thông vận tải có 40 HTX. Một số HTX nông nghiệp mở rộng thêm các dịch vụ vệ sinh môi trường, quản lý chợ, sản xuất rau sạch, cung ứng thức ăn nuôi tôm, dịch vụ sản xuất giống lúa mới. Trong tổng số 469 HTX, hiện có 48 HTX, 1 liên hiệp HTX vẫn có tên nhưng không hoạt động (gồm 12 HTX đánh bắt thủy sản, 17 HTX vận tải và 19 HTX CN-TTCN). Từ năm 2010, tỉnh ta đã tiến hành thành lập Ban Nông nghiệp xã (theo Thông tư 61/TTLT của Bộ NN và PTNT và Bộ Nội vụ), tách vai trò quản lý nhà nước cho chính quyền các xã, thị trấn. Các HTX nông nghiệp chuyển hẳn sang hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; hướng dẫn các hộ xã viên liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. HTX đảm nhiệm các khâu dịch vụ như: dịch vụ tưới tiêu nước, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, thủy lợi nội đồng, dịch vụ làm đất, cung cấp giống cây… Điều tra thực tế cho thấy các HTX đều đã tổ chức hoạt động từ 4 khâu dịch vụ trở lên; trong đó, 100% HTX tổ chức dịch vụ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tưới tiêu nước, bảo vệ đồng ruộng; 64% HTX tổ chức dịch vụ cung ứng giống; 52,4% tổ chức dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 13 HTX tổ chức dịch vụ cung cấp nước sạch; 9 HTX tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường; 29 HTX tổ chức tín dụng nội bộ; 35 HTX tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông, vụ xuân cho xã viên. Tuy nhiên, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn như: xã viên không trực tiếp góp vốn (vốn góp của xã viên thực chất là vốn được chia lại trong thời điểm chuyển đổi năm 1997, theo Luật HTX năm 1996), quỹ hoạt động của HTX còn ít, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, 30% số HTX không có vốn lưu động. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX thường xuyên biến động, trình độ, năng lực quản lý còn hạn chế. Số HTX được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc còn ít, không có điều kiện vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các HTX phi nông nghiệp: Quỹ TDND cơ sở, HTX CN-TTCN, HTX thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải… ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, hội nhập, một số HTX phi nông nghiệp khả năng cạnh tranh kém, không thích nghi được với cơ chế thị trường dẫn đến phải thu hẹp dịch vụ, thậm chí giải thể. Qua phân loại tình hình hoạt động của các HTX, có 20% HTX khá giỏi, 54% HTX trung bình và 26% HTX yếu kém.
Mặc dù hoạt động kinh tế còn nhiều khó khăn song khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đã có những đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ trọng giá trị kinh tế của kinh tế tập thể trong giá trị tổng sản phẩm của tỉnh hằng năm đạt mức bình quân 5 năm tăng 3,8%; duy trì truyền thống thâm canh lúa (năng suất bình quân đạt 118,4 tạ/ha); giá trị thu được trên ha canh tác tăng nhanh (năm 2011 đạt 78 triệu đồng). Bên cạnh đó, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX có vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội, tăng cường lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn