Sản xuất nông nghiệp ở nước ta có bước tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn. Sản lượng lúa năm 2012 dự kiến đạt hơn 43 triệu tấn, tăng khoảng một triệu tấn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 26,5 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng xuất khẩu gạo đạt khoảng bảy triệu tấn. Đây là thành tựu lớn, có thể ví như điểm sáng trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ nhiều phía.
Ảnh minh họa/Internet. |
Thế nhưng, bên những mặt tích cực, sản xuất nông nghiệp nước ta cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất cập. Báo cáo của tổ chức Oxfam vừa công bố mới đây tại Hà Nội mang tựa đề “Vun trồng một tương lai no đủ” đã nêu lên những thực trạng và khó khăn của ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Đó là tình trạng đất trồng thoái hoá, nhiều dịch bệnh, thiên tai, những biến động của thị trường. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Sự phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp và một nghịch lý đang diễn ra: Khu vực nông thôn, nơi làm ra lương thực, thực phẩm lại là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ thiếu ăn. Theo ý kiến của các nhà khoa học, việc sản xuất nhiều giá trị sản phẩm thấp, chấp nhận công nghệ lạc hậu, ô nhiễm để đổi lấy lợi thế cạnh tranh là sự chấp nhận của những bước đi ban đầu, nay không còn động lực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo đề xuất của Oxfam, Việt Nam cần đa dạng hoá nông nghiệp và phi nông nghiệp để nông dân thoát nghèo; thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp sinh thái giảm sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu; bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng trong tiếp cận và sử dụng đất đai; nâng cao vai trò, tiếng nói và quyền lợi của nhân dân.
Một nền nông nghiệp phát triển bền vững phải lấy nông dân làm trung tâm, giải quyết việc làm, thu nhập, giữ ổn định nghề nông./.
Theo Báo Thời nay