Những năm qua, hoạt động của lực lượng tự vệ trong các cơ quan, đơn vị đặc biệt là các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thường xuyên được duy trì, củng cố góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất phát triển và đóng góp tích cực vào nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương của lực lượng vũ trang tỉnh.
Khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm của Cty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định luyện tập SSCĐ. |
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 đầu mối tự vệ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước. Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự (CHQS) các huyện và Thành phố Nam Định đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng tự vệ một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi tự vệ. Quá trình tuyển chọn, kết nạp công dân vào lực lượng tự vệ đều được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo chỉ tiêu, quân số theo đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ; hằng năm đều kết nạp thêm chiến sỹ mới và xuất ngũ cho chiến sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ. Việc thực hiện nghĩa vụ luân phiên nhằm giúp cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị nâng cao nhận thức về nền quốc phòng toàn dân và những kiến thức cơ bản về kỹ năng quân sự. Để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với lực lượng tự vệ, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã thành lập Ban CHQS (toàn tỉnh hiện có 68 Ban CHQS cơ quan, doanh nghiệp), đội ngũ cán bộ chuyên trách này được cơ quan quân sự các cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, quản lý hoạt động của lực lượng tự vệ; đối với các cơ quan, doanh nghiệp chưa thành lập Ban CHQS thì lực lượng tự vệ chịu sự quản lý trực tiếp của Ban CHQS các huyện, thành phố. Chính vì vậy đến nay lực lượng tự vệ trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm xây dựng, ổn định về số lượng và đi vào hoạt động nề nếp. Song song với công tác xây dựng lực lượng, căn cứ vào nội dung, kế hoạch huấn luyện của Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành phố, theo định kỳ hằng năm, các đơn vị đã bố trí, sắp xếp hợp lý công việc sản xuất kinh doanh, cử cán bộ phụ trách quân sự tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, trên cơ sở đó xây dựng chương trình kế hoạch, triển khai công tác huấn luyện cụ thể cho từng đối tượng trong đơn vị. Trong hoạt động của lực lượng tự vệ, các đơn vị đều trích một phần kinh phí lập quỹ quốc phòng để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện như: sửa sang sân bãi tập, làm các mô hình học cụ… và bồi dưỡng, động viên các chiến sỹ tham gia huấn luyện, do đó chất lượng huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ luôn đạt kết quả cao với 100% quân số tham gia huấn luyện đạt yêu cầu, trong đó có 75-80% khá giỏi, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tự vệ từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và có thể huy động tham gia các nhiệm vụ đột xuất của địa phương như: phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy… Đặc biệt những năm qua thực hiện Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn ANCT-TTATXH, lực lượng tự vệ trong các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh đã duy trì sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trên địa bàn đẩy mạnh các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Ba an toàn” về ANTT… duy trì công tác phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị. Tiêu biểu như hoạt động của lực lượng tự vệ Cty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của lực lượng tự vệ, Cty đã luôn chăm lo, củng cố lực lượng tự vệ theo hướng vững mạnh toàn diện; hằng năm Đảng uỷ Cty đều có nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ quân sự địa phương và công tác tự vệ, trong đó đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, thường xuyên giáo dục về ý thức nhiệm vụ công tác quân sự quốc phòng địa phương, vận động công nhân viên xây dựng và bảo vệ an toàn đơn vị, an toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, nâng cao tinh thần cảnh giác. Hiện nay, trung đội tự vệ của Cty biên chế thành 2 lực lượng: lực lượng tại chỗ và khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm, trong đó lực lượng tại chỗ được biên chế đồng đều ở các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc Cty để vừa sản xuất, vừa bảo vệ sản xuất và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu; khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm thường xuyên duy trì chế độ trực SSCĐ. Hằng năm Cty quan tâm, đầu tư cho các hoạt động quân sự hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão và giáo trình, học cụ, tài liệu huấn luyện quân sự. Do đó, nhiều năm qua, lực lượng tự vệ của Cty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định đã làm tốt vai trò tham mưu và thông báo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị các diễn biến xảy ra để có biện pháp xử lý, đồng thời lực lượng tự vệ phối hợp hiệu quả với lực lượng công an các phường, xã trên địa bàn thành phố thường xuyên tuần tra canh gác giữ vững an ninh an toàn xí nghiệp, bảo đảm an toàn sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các cơ quan, doanh nghiệp (hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước) đã quan tâm, chăm lo xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng tự vệ thì trên thực tế hiện nay việc tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi “trống” lực lượng tự vệ hoặc có thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xem nhẹ vị trí, vai trò của lực lượng tự vệ; việc xây dựng và hoạt động của lực lượng tự vệ liên quan đến nguồn kinh phí đảm bảo, ảnh hưởng đến doanh thu nên nhiều chủ doanh nghiệp chưa tha thiết với việc tổ chức đơn vị tự vệ; nhiều đơn vị do đặc thù sản xuất kinh doanh không bố trí, sắp xếp được công việc để lực lượng tự vệ tham gia chương trình huấn luyện định kỳ hằng năm của cơ quan quân sự cấp trên. Bên cạnh đó theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng nên chưa đủ điều kiện thành lập lực lượng tự vệ; nhận thức về nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương của một bộ phận cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp chưa đầy đủ nên ý thức trách nhiệm chưa cao…
Để xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, rộng khắp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng tự vệ thì các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật Dân quân tự vệ nhằm đảm bảo cho công tác xây dựng lực lượng tự vệ được thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả cao, đồng thời nâng cao ý thức, nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nghĩa vụ, trách nhiệm và cả lợi ích của việc xây dựng lực lượng tự vệ; việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng tự vệ phải gắn với việc xây dựng tổ chức Đảng, công đoàn và tổ chức quần chúng trong các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”… góp phần cùng các lực lượng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh./
Bài và ảnh: Thu Thủy