Khánh Hòa: Nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" IUU

07:25, 14/10/2022

Tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 3.200 tàu cá, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ gần 700 chiếc. Tỉnh là một trong những địa phương trong cả nước triển khai tốt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tỉnh đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đến nay, hầu hết ngư dân trong tỉnh nhận thức được khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. Các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ nghiêm việc khai báo khi tàu rời cảng, cập cảng lên cá, mang đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ, trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị khai thác khi cho tàu vươn khơi. Việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá đã có hiệu quả, hồ sơ xác nhận, chứng nhận được lưu trữ khoa học, đảm bảo việc truy xuất nhanh chóng, chính xác. Từ tháng 10-2018 đến nay, không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Bắc Giang: Xuất khẩu thành công chuyến đậu tương đầu tiên sang Hoa Kỳ

Sau nhiều năm đàm phán, đến nay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã xuất khẩu thành công chuyến đậu tương hơn 30 tấn đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, để xuất khẩu đậu tương vào thị trường Hoa Kỳ, Công ty đã mất 3 năm đàm phán, thực hiện các thủ tục, bởi đây là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quy định.

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty liên kết với người dân xã Đông Phú (Lục Nam) và một số tỉnh lân cận trồng đậu tương. Đơn vị cung cấp giống, cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng hướng dẫn quy trình canh tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó, Công ty đầu tư dây chuyền sơ chế, bảo quản hiện đại nên sau khi loại bỏ vỏ, hạt đậu đều đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của đối tác. Sản phẩm đến Hoa Kỳ được cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm có thành phần từ đậu tương. Theo đơn đặt hàng, bình quân mỗi tháng Công ty xuất khẩu khoảng 20-30 tấn sang thị trường này.

Thái Nguyên: Hiệu quả mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhằm khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, giai đoạn 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ), với diện tích 22ha, 87 hộ dân tham gia.

Theo đánh giá, sau 3 năm triển khai, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp với bón phân NPK nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ búp đều, phiến lá dầy, bóng; chè chế biến có vị đậm, hương cốm, tỷ lệ hao hụt ít. Theo đó, năng suất chè đã tăng từ 112 tạ/ha (năm 2020) lên 135,2 tạ/ha (năm 2022); thu nhập của các hộ sản xuất trong mô hình đạt trên 218 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường 64,5 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, toàn bộ diện tích chè của mô hình đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được Hợp tác xã Thái Minh (trụ sở ở xã Văn Hán) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 10-15% (tương ứng tăng 3-5 nghìn đồng/kg chè búp tươi)./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com