Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế (RGDP) 9 tháng của Bắc Giang đạt 23,98%, là địa phương dẫn đầu cả nước.
Kết quả trên cho thấy, Bắc Giang luôn duy trì đà tăng trưởng, tạo bứt phá bằng hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bắc Giang thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; linh hoạt, kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh.
Việc thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch được cộng đồng DN đánh giá cao, giúp nhà DN yên tâm duy trì, tăng quy mô hoạt động. Nhiều DN, tập đoàn lớn đầu tư, mở rộng đầu tư tại Bắc Giang. 9 tháng, toàn tỉnh thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, điều chỉnh 8 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng 246 tỷ đồng; điều chỉnh 31 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn tăng 555,97 triệu USD.
Hà Giang: Hơn 1.300 cây chè Shan Tuyết được công nhận là cây Di sản Việt Nam
Hà Giang là một tỉnh có diện tích chè đứng thứ 2 cả nước với tổng diện tích trên 20.500ha, diện tích chè cho thu hoạch gần 18.300ha, sản lượng hàng năm đạt 94 nghìn tấn, đặc biệt, cây chè Shan Tuyết là cây trồng đặc sản của Hà Giang. Từ năm 2011, tỉnh Hà Giang đã thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan Tuyết tại huyện Vị Xuyên với diện tích trên 900ha. Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là trên 11.600ha/65 vùng/63 cơ sở, chiếm 61,25% diện tích chè toàn tỉnh.
Nhằm bảo tồn nguồn gen quý, khai thác và phát triển diện tích chè Shan Tuyết cổ thụ gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh, đến nay, Hà Giang đã được công nhận 1.629 cây là cây Di sản (trong đó, có 1.324 cây được công nhận năm 2022). Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè Shan Tuyết cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.
Ninh Bình: Đánh giá kết quả sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ và chuỗi giá trị
Sáng 1-10, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ và theo chuỗi giá trị vụ mùa năm 2022 tại HTX nông nghiệp Đô Lương, xã Gia Hưng.
Theo đó, Dự án Sản xuất lúa chất lượng cao Hương Bình theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị trên quy mô 35ha được thực hiện từ vụ mùa năm 2022. Nhìn chung, kết quả sản xuất lúa Hương Bình theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị trong vụ mùa năm 2022 cho thấy: Giống lúa thích ứng tốt với chân đất vàn, khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, độ thuần đồng ruộng khá cao. Giống có thời gian sinh trưởng trung bình (106 ngày), đẻ nhánh khá, trỗ bông tập trung, hạt thon dài, xếp xít, cứng cây, khả năng chống đổ tốt. Khả năng chống chịu sâu bệnh khá, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Dự tính, năng suất ước đạt 60,3 tạ/ha./.
PV