Khu công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà là KCN đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập năm 2004 với diện tích gần 100ha. Hiện có 36 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.239 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất là gần 62ha, tỷ lệ lấp đầy gần 82%; doanh thu từ khu công nghiệp đạt hơn 1.440 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Tuy nhiên KCN này nằm sát Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trường học, các cơ quan và khu đô thị, khu dân cư. Do đó nhiều năm qua người dân đã kiến nghị di dời KCN này ra khỏi thành phố Đông Hà để tránh gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra văn bản về kế hoạch di dời KCN Nam Đông Hà ra khỏi thành phố Đông Hà; giao các đơn vị và Công ty cổ phần Tập đoàn BGI lập phương án di dời khu công nghiệp. Các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành phương án di dời KCN trong tháng 10-2022.
Hà Nội: Hơn 100 gian hàng tại Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) vừa phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức chương trình Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022.
Festival có quy mô 105 gian hàng, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu. Trong đó, gồm có 77 gian hàng của Hà Nội và 28 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị đến từ 16 tỉnh, thành phố; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống; quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các địa phương; quảng bá ẩm thực truyền thống; các hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc huyện Ba Vì, trưng bày, giới thiệu làng họa sĩ Cổ Đô... Sự kiện nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt; thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Thái Bình: Đến năm 2030 có trên 20% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Theo chương trình hành động của Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh Thái Bình thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 412 tổ hợp tác, 475 HTX và 3 liên hiệp HTX trở lên; bảo đảm 65% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 55% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 20% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, có ít nhất 75% tổ chức kinh tế tập thể tham gia chuỗi liên kết. Qua đó, phát triển kinh tế tập thể trong tỉnh năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế./.
PV