Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã giải ngân cho 547.871 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt trên 9.840 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 6.800 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phần lớn tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những kết quả đạt được thể hiện vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là đặc biệt quan trọng, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo, có tính nhân văn sâu sắc.
Bắc Ninh: Khó khăn trong phát triển nhà ở cho công nhân
Hiện tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, sử dụng 352.751 công nhân lao động. Trong đó có khoảng gần 150 nghìn công nhân ngoại tỉnh đang lưu trú trên địa bàn tỉnh. Số công nhân ở tại các khu nhà ở công nhân tập trung theo dự án chỉ có 39.282 người tương đương khoảng 26,19%. Toàn tỉnh vẫn còn hơn 110 nghìn công nhân đang ở trọ tại các khu nhà ở do nhân dân tự xây dựng gần các KCN. Chất lượng sống tại các khu nhà trọ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng không bảo đảm về hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường và các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, kiểm soát dịch bệnh, thiếu thốn các thiết chế văn hóa.
Thực hiện dự án nhà ở công nhân, toàn tỉnh có 21 dự án đã và đang triển khai, tổng diện tích sàn 2.389.166m2 với 29.364 căn hộ. Hiện có 7 dự án đã hoàn thành và hoàn thành 1 phần, tương đương với 5.252 căn hộ. So với tổng diện tích nhà ở hoàn thành theo dự án trong giai đoạn 2017-2022 thì diện tích nhà ở công nhân mới đạt khoảng 4,12%. Nguyên nhân, một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; chưa hình thành được những dự án lớn với những khu nhà ở công nhân đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội.
Hòa Bình: Chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hữu cơ cho hơn 3.500ha sản phẩm
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát, đánh giá và lựa chọn cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản có nhu cầu hỗ trợ VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ để thực hiện hỗ trợ chứng nhận trong năm 2022.
Hiện đã chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), GAP, hữu cơ cho 3.525ha sản phẩm quả các loại, 561ha sản phẩm rau các loại. Chứng nhận ATTP, GAP cho 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để nuôi lợn khép kín và cung cấp cho thị trường, sản lượng khoảng 19.500 tấn/năm. Cùng với đó, đơn vị chức năng đã hướng dẫn, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm xạ đen Hòa Bình. Lấy mẫu 254 sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP. Kết quả kiểm định cho thấy, hầu hết các mẫu đảm bảo chất lượng, ATTP./.
PV