Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã triển khai xây dựng được 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả (trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình) có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Với các mô hình này, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch, gỗ chế biến.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp đạt 50%, thủy sản đạt 55% và lâm nghiệp đạt 30%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 80%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm 80%.
Đà Nẵng: Triển khai Ứng dụng quản lý giám sát hành trình xe cứu thương
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu thành phố triển khai Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương trên địa bàn.
Ứng dụng gồm app trên điện thoại di động để phục vụ người dân, lái xe 115, kíp cấp cứu; phiên bản web, bản đồ trên màn hình để phục vụ điều hành, quản lý của Trung tâm Cấp cứu thành phố và Sở Y tế. Công ty Trung Nam (đơn vị sản xuất máy tính bảng thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”) tài trợ máy tính bảng lắp trên từng xe cấp cứu để việc ứng dụng hiệu quả, rút ngắn thời gian cấp cứu. Việc triển khai ứng dụng giúp người dân, du khách có thể yêu cầu, theo dõi hành trình xe cứu thương, thời gian dự kiến xe đến… để chủ động trong xử lý tình huống khẩn cấp; giúp các cơ quan, đơn vị chức năng có thể theo dõi và quản lý từng nhiệm vụ, lộ trình di chuyển của xe cứu thương nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành chuyên môn chính xác, thông minh hơn./.
PV