Quảng Ninh: Xăng dầu hạ giá, ngư dân tiếp tục vươn khơi

08:07, 15/07/2022

 

Quảng Ninh có khoảng hơn 200 phương tiện đánh bắt xa bờ và gần 40% phương tiện đã dừng hoạt động khi giá dầu tăng “phi mã” thời gian vừa qua. Mỗi chuyến đi biển, ngư dân không đủ chi phí để trang trải cho các sinh hoạt phí cần thiết chưa nói tới việc có lãi. Giá xăng dầu giảm đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt sau thời gian hoạt động cầm chừng do chi phí nhiên liệu quá lớn.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết: “Trong thời điểm giá xăng dầu cao, ngư dân không đi biển bà con tu sửa tàu thuyền, máy móc, các phương tiện đánh bắt. Khi giá xăng dầu giảm, bà con rất phấn khởi, và đến các cảng kiểm soát để đăng ký ra khơi. Hiện nay, đang ở thời điểm biển động, gió tăng cường nên ngư dân chưa ra biển. Dự kiến là khoảng 2-3 ngày tới ngư dân sẽ ra khơi, để đảm bảo cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Hà Nam: Hiệu quả đề án phát triển đàn lợn nái

Từ năm 2021, các địa phương trong tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2022”.

 Năm đầu tiên đã có 900 lợn nái hậu bị và 6 lợn đực giống được hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, nguồn cung ứng từ trại giống ông bà của Tập đoàn Dabaco. Đàn lợn nái và lợn đực giống đang phát huy tốt hiệu quả, tạo nguồn lợn giống chất lượng cho phát triển chăn nuôi lợn thịt. Trong năm nay, đề án tiếp tục hỗ trợ 400 con lợn nái hậu bị cho 40 hộ chăn nuôi. Hiện đã có 37 hộ tham gia đề án nhập lợn nái hậu bị về nuôi. Các hộ đã nhập lợn nái hậu bị về chuồng nuôi qua 21 ngày cho thấy độ ổn định. Việc tiếp tục triển khai Đề án hứa hẹn tạo nguồn con giống chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, từ tháng 11-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)” trên địa bàn 9 huyện.

Các đơn vị tư vấn đã tổ chức đánh giá hiện trạng và hiệu quả sử dụng đất cho các cây trồng chính tại 9 huyện nói trên; từ đó giúp cho các cơ quan quản lý giám sát, cập nhật tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hợp lý; giúp người nông dân tra cứu về hiện trạng sử dụng đất, đặc điểm đất đai, mức độ thích hợp của các loại cây trồng và bón phân cân đối cho cây trồng đạt hiệu quả./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com