Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Thái Bình “không dây”, Điện lực thành phố đã triển khai thực hiện dự án nâng cao hiệu quả lưới điện trung, hạ áp khu vực thành phố Thái Bình, với chiều dài 19km tuyến cáp ngầm 0,4kV tại 14 tuyến phố.
Để đáp ứng tiến độ thi công cũng như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, toàn bộ hệ thống dây dẫn điện, cáp viễn thông đã được chỉnh trang, hạ ngầm.
Hệ thống tủ đựng công tơ điện của từng gia đình được đấu nối vào tủ điện chung dưới mặt đất theo quy chuẩn, bảo đảm an toàn. Đến nay, Điện lực đã ngầm hóa lưới điện 8 tuyến đường, đang tiếp tục thi công 6 tuyến đường còn lại. Quá trình thực hiện bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn thông tin và an toàn lưới điện, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị trên các tuyến đường chính của thành phố. Việc ngầm hóa lưới điện giúp nâng cao độ tin cậy, ổn định, chất lượng trong công tác quản lý vận hành, hạn chế sự cố.
Hà Nội: 4 bến xe trung tâm sẽ được thay thế
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, khu vực trung tâm, các bến xe hiện tại gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm về lâu dài sẽ thay thế bằng các bến xe khác. Quỹ đất từ các bến xe cũ sẽ được làm bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm. Giai đoạn đến năm 2025, thành phố xây dựng 4 bến xe khách gồm bến Cổ Bi, bến Đông Anh, bến Yên Sở và bến Sơn Tây 1 và 4 bến xe tải gồm bến Yên Viên, bến Cổ Bi, bến phía Nam và bến Khuyến Lương. Bên cạnh đó là 3 trung tâm tiếp vận ở phía Nam, phía Đông Bắc và phía Bắc. Các bãi đỗ xe với 122 vị trí, quy mô diện tích khoảng 168ha và 2 bãi đỗ xe trung chuyển tại nút giao quốc lộ 6 với Vành đai 4 và nút giao quốc lộ 32 với đường 70./.
PV