Ngày 23-3, Cuộc thi sáng tác Biểu tượng thành phố Hải Phòng đã chính thức được phát động để lựa chọn một biểu tượng tiêu biểu, đặc sắc, mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… của thành phố, đồng thời thể hiện nét riêng của con người Hải Phòng.
Biểu tượng được chọn lựa nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của thành phố trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và hội nhập; đồng thời khơi dậy lòng tự hào, nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của các tầng lớp nhân dân; phục vụ các hoạt động thông tin tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng phát triển của thành phố trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, các sự kiện văn hóa, xã hội của thành phố. Đây cũng sẽ là biểu trưng riêng có, niềm tự hào của người Hải Phòng trong mắt đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Tiền Giang: Số lượng trái cây được cấp mã số vùng trồng lớn nhất cả nước
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 19 nghìn ha vườn cây ăn trái được cấp 281 mã số vùng trồng; trong đó, có 127 mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc với diện tích trên 17.200ha cho 6 loại trái cây gồm: mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm. Số mã số còn lại được cấp sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và NewZealand với diện tích trên 1.800ha, gồm 4 loại trái cây: Thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa. Hiện nay, Tiền Giang đã gửi đến Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 3 hồ sơ tiếp tục đề nghị cấp mã số vùng trồng cho vườn cây sầu riêng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số và đang gửi 7 hồ sơ gồm 6 hồ sơ loại cây sầu riêng và 1 hồ sơ trái ớt đề nghị cấp mã số Cơ sở đóng gói đến Cục Bảo vệ thực vật.
Ninh Bình: Đồng loạt khởi công nhiều tuyến đường quy mô lớn
Ngày 23-3, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức các lễ khởi công nhiều tuyến đường quy mô lớn trên địa bàn. Đây là các hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1-4-1992 - 1-4-2022). Các dự án được khởi công bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối liền tuyến Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B dài gần 44km, dự án xây dựng 7 cầu, thuộc công trình giao thông cấp II; có tổng mức đầu tư 1.475 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 1.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương 275 tỷ đồng. Các dự án xây dựng tuyến đường T21 giai đoạn 1 và tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B đoạn ngã tư cầu Tu đến cầu Cọ, huyện Yên Mô có tổng vốn đầu tư gần 238 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, thuộc dự án công trình giao thông cấp I. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B đoạn ngã tư cầu Tu đến cầu Cọ có tổng chiều dài gần 3,7km, kết nối cầu Tu với cầu Cọ trên địa bàn huyện Yên Mô theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự án có tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng./.
PV