Bắc Giang: Cần thêm vùng nguyên liệu cho chế biến nông sản

07:02, 17/02/2022

Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 140 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm. Trong đó, có 4 doanh nghiệp lớn chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Các sản phẩm chính là đóng hộp ngô ngọt, rau ăn lá, củ cải, khoai tây, bí đỏ, cà chua, dứa, vải thiều, cam... với tổng sản lượng đạt hơn 10 nghìn tấn/năm. Các cơ sở chế biến thủ công, quy mô nhỏ, chế biến thịt lợn, trâu, bò tiêu thụ trong tỉnh bình quân khoảng 3,5 tấn/ngày. Dù tiềm năng đất đai, nông sản trong tỉnh lớn nhưng hiện 4 doanh nghiệp chế biến nêu trên đang phải thu mua hàng chục nghìn tấn nguyên liệu tại các tỉnh Hải Dương, Hoà Bình và một số tỉnh phía Nam. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã sớm đầu tư, liên kết xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng để phát triển nông sản. 

Thanh Hóa: Chủ trương dừng dự án nhà máy xi măng hơn 1.400 tỷ đồng chậm tiến độ

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ra Văn bản số 2005-CV/VPTU về chủ trương dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn được khởi công xây dựng vào năm 2009 với nguồn vốn hơn 1.400 tỷ đồng, có 206 hộ dân xã Thúy Sơn thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án, tổng diện tích đất thu hồi gần 40ha. Do dự án đã ngừng thi công quá lâu nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc, vì trục đường đi qua nhà máy là trục chính trung tâm của đô thị miền núi, nếu triển khai nhà máy sẽ có xe tải trọng lớn lưu thông. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất sẽ khai thác tại núi Sắt, đây là ngọn núi đã đi vào ca dao, chuyện truyền tích của người Mường, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng đến truyền tích này. UBND huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo UBND xã Thúy Sơn tổ chức lấy ý kiến các hộ dân thuộc 5 thôn quanh khu vực xây dựng nhà máy, có 717 hộ đóng góp ý kiến thì có đến 715 hộ không đồng ý cho xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn, vì gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, việc thu hồi dự án này là rất cần thiết.

Nghệ An: Ngư dân trúng đậm cá trích

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, ngư dân ven biển huyện Quỳnh Lưu tranh thủ thời tiết thuận lợi ra khơi khai thác hải sản, đặc biệt nhất đó là nghề đánh bắt cá trích giúp bà con thu tiền triệu mỗi ngày.

Theo bà con ngư dân, giá cá trích hiện tại được thu mua 15-17 nghìn đồng/kg. Do đang vào mùa nên mỗi thuyền đi nghề cá trích đánh được từ 1,5-2 tạ cá chỉ sau 2 giờ ra biển, thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng, có hôm gặp may được luồng cá thì thu nhập còn cao hơn. Huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng hơn 200 thuyền, bè hoạt động ven bờ với hơn 500 lao động tham gia. Trong khi các tàu công suất lớn chưa thể ra biển đánh bắt hải sản do ở ngoài khơi xa biển động thì nghề khai thác ven bờ đã giúp bà con ngư dân vùng biển có thêm nguồn thu nhập./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com