Theo đánh giá của Sở Công Thương, sau hơn 7 năm hình thành và phát triển, đến nay, Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã phát triển được 500 sản phẩm OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt sao. Hầu hết các sản phẩm đều có sự đổi thay về chất lượng, cải tiến về mẫu mã, quy cách sản phẩm, trong đó có sự tác động của thị trường.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng quan tâm hỗ trợ thường xuyên về mẫu mã bao bì, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc...; duy trì tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì cho các sản phẩm OCOP. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các kênh thương mại điện tử qua sàn thương mại điện tử trong tỉnh hoặc các sàn lớn như: Lazada,Tiki, Fado… buộc các doanh nghiệp cũng phải quan tâm cải tiến, đổi mới hình ảnh để tiêu thụ sản phẩm OCOP tốt hơn.
Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại
Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào hội nhập, kinh tế trang trại được Đồng Nai rất quan tâm khuyến khích phát triển.
Hiện toàn tỉnh có 1.649 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn với 1.305 trang trại, 244 trang trại trồng trọt, 62 trang trại thủy sản và 34 trang trại tổng hợp. Giá trị thu được từ các trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 6,6 nghìn tỷ đồng; doanh thu bình quân/trang trại đạt 5 tỷ đồng/năm. Các trang trại đã đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức sản xuất quy mô lớn; góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, tạo nên những vùng sản xuất tập trung với trình độ thâm canh cao; đáp ứng tốt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Hải Dương: Đổi rác lấy gạo giúp phụ nữ khó khăn
Từ ngày 17-11, Hội Phụ nữ thành phố Hải Dương đã triển khai chương trình “Đổi rác lấy gạo cùng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19”.
Thành hội tổ chức chuyến xe thu gom phế liệu tại các phường, xã 3 đợt/năm vào các tháng 2, 10 và 12. Xe tuyên truyền lưu động và xe thu gom đến điểm tập kết của 25 phường, xã để thu gom phế liệu, kết hợp tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân hình thành thói quen giảm thải, tái sử dụng, tái chế rác, làm cho rác trở thành tài nguyên. Trong đó, riêng trong ngày 12-12, hội thu được trên 40 triệu đồng từ bán phế liệu tại 25 phường, xã, tương đương khoảng 3 tấn gạo tặng cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn./.
PV