Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941-2021) và 25 năm tái lập tỉnh (1-1-1997 - 1-1-2022), tỉnh hiện đang triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm chào mừng sự kiện trọng đại này.
Các Dự án gồm: Xây dựng đường bên nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh có chiều dài gần 40km, điểm đầu tại nút giao với nhánh lên trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), điểm cuối tại Km19+640, giao với QL38B, thuộc địa phận xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) với tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài (ĐT.379), đoạn qua địa phận tỉnh có tổng mức đầu tư gần 2,9 nghìn tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A, có chiều rộng mặt đường 21m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; tổng chiều dài của dự án là 33,5km. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho lễ khởi công.
Thanh Hóa: Công nhận 10 nghề và làng nghề truyền thống tỉnh
Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa có 10 hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống. Sau khi xem xét hồ sơ và tham khảo ý kiến của các ngành chức năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2021 tỉnh công nhận cho 10 nghề và làng nghề đủ điều kiện. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ các nghề, làng nghề được công nhận. Các địa phương tăng cường đào tạo, ứng dụng công nghệ, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và ngày càng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong các làng nghề, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới./.
PV