Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong tháng 10, kinh doanh thương nghiệp và cung cấp các dịch vụ thiết yếu đã hoạt động ổn định, các hoạt động dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khôi phục trở lại.
Theo dự báo, 2 tháng cuối năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Sở Công Thương đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh kiểm tra, kiểm soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn, nhất là tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và phục vụ Tết Nguyên đán 2022; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt, hàng Thanh Hóa về khu vực nông thôn…
Hà Nam: Triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 14-11-2021, bệnh đã xảy ra ở 183 hộ chăn nuôi, tại 61 thôn thuộc 16 xã, thị trấn của 3 huyện, thị xã, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 2.293 con (trọng lượng 108.716kg). Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cho thấy một số xã vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Tập trung triển khai công tác trực chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch; khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan ra các địa bàn khác. Thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu huy đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao
Đến tháng 10-2021, toàn tỉnh có 45/47 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đang được các sở, ngành tổ chức thẩm định để đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại 45 xã xây dựng nông thôn mới còn 0,09%, 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo. Theo Kế hoạch đến cuối năm 2021, toàn tỉnh sẽ có 24 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.
PV