Phú Thọ: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa cho các hợp tác xã

08:11, 17/11/2021

Giai đoạn 2013-2021, tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ 35 HTX về tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, đổi mới cải tiến quy trình sản xuất với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, HTX với nông dân được triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 579 HTX, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề trồng và chế biến chè, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ nông lâm nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất tại các HTX và tổ hợp tác đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các địa phương. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, bảo quản, góp phần đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, tạo tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Quảng Bình: Hiệu quả từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”

Để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh thực hiện phong trào: “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” mà nội dung trọng tâm là hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong các cấp hội và hội viên phụ nữ.

Theo đó, các cấp hội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hội viên đăng ký thực hiện các tiêu chí cuộc vận động gắn với các tiêu chí NTM, xây dựng 39 mô hình “Vì phụ nữ nghèo”, mô hình giảm nghèo bền vững; kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo, từ thiện... huy động được hơn 1,1 tỉ đồng mua con giống trao cho 388 hội viên, phụ nữ nghèo, khuyết tật. Mở 316 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ cho 16.159 hội viên, phụ nữ; thực hiện tiêu chí môi trường với các mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Tổ thu gom rác thải tự quản”, “Đường hoa yêu thương”, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa.

Ninh Bình: Giống lúa nếp hạt cau sau khi được phục tráng cho năng suất, chất lượng vượt trội

Nếp hạt cau là giống lúa cổ truyền của Ninh Bình, được gieo cấy từ lâu ở các địa phương như Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn. Từ năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã được giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa “nếp hạt cau” cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”.

Năm 2021, từ nguồn giống nguyên chủng, Chi cục tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn giống lúa nếp hạt cau tại xã Quỳnh Lưu với quy mô diện tích là 5ha; năng suất thống kê của ruộng mô hình là 171,4 kg/sào còn ruộng đối chứng là 149,9 kg/sào. Với độ thuần cao, chất lượng tốt, toàn bộ 5ha lúa nếp hạt cau tại mô hình đã được Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang thu mua tươi tại ruộng với giá 9 nghìn đồng/kg. Hạch toán kinh tế, bà con thu lãi khoảng 1 triệu đồng/sào./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com