Hà Nội: Thúc đẩy tái đàn gia súc gia cầm, hạn chế rủi ro từ dịch bệnh

07:09, 15/09/2021

Mặc dù, ngành nông nghiệp đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, nhưng Hà Nội vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.

Tính đến hết tháng 8-2021, tổng đàn bò toàn thành phố Hà Nội tăng trưởng 3,5%; đàn lợn tăng 14%; đàn gia cầm tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi, nhưng ngành Nông nghiệp thủ đô đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương tại các “vùng xanh”, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi vừa phòng, chống dịch, vừa gia tăng sản xuất nhằm ổn định tổng đàn. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

Cao Bằng: Phấn đấu đến năm 2025 có vùng trồng lê tập trung diện tích 240ha

Tỉnh Cao Bằng phấn đấu giai đoạn 2020-2025, trồng lê tập trung tại các huyện: Thạch An 90ha, Hòa An 45ha, Nguyên Bình 105ha với 120 nghìn cây giống, mật độ khoảng 500 cây/ha.

 Mỗi xã trong vùng sản xuất tập trung được hỗ trợ thành lập 1 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất đảm bảo các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; xây dựng 1 vườn ươm sản xuất giống phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen và nhân giống; xây dựng 3 nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm, xây dựng hệ thống tưới tiêu; tổ chức 100 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lê theo tiêu chuẩn VietGap hoặc hữu cơ cho 3.000 lượt người dân trong vùng sản xuất; ứng dụng kỹ thuật trong khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm; thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã QR code trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng ít nhất 1 mô hình du lịch nông nghiệp gắn với các lễ hội tại địa phương (Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội hoa lê…), bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường… với tổng kinh phí trên 14,7 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, mở rộng diện tích trồng mới cây lê với quy mô 190ha.

Thanh Hóa: Nhiều khó khăn trong phát triển nghề nuôi con đặc sản

Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 hộ dân được đăng ký cấp phép nuôi các con nuôi đặc sản, với tổng số hơn 20 nghìn cá thể. Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, như: nuôi ba ba, rùa câm tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa); nuôi đà điểu tại huyện Vĩnh Lộc; nuôi dê ở huyện Hà Trung; nuôi thỏ tại các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân; nuôi nhím tại các huyện Thạch Thành, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc và thành phố Thanh Hóa…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều mô hình nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do giá của nhiều loại con nuôi đặc sản ngày một giảm; người nuôi chủ yếu tự phát. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn đầu tư sản xuất con giống và tìm nguồn cung ứng giống đảm bảo chất lượng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Quy hoạch vùng phát triển con nuôi đặc sản và định hướng vật nuôi để người dân không sản xuất chạy theo phong trào tự phát, tăng, giảm đàn ồ ạt, đột ngột dẫn đến mất cân đối thị trường; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com