Theo thống kê sơ bộ, hiện diện tích cam đang thời kỳ khai thác quả trên địa bàn toàn tỉnh là 5.254ha, sản lượng thu hoạch ước tính trên 58 nghìn tấn. Thời vụ thu hoạch cam Vinh diễn ra khoảng đầu tháng 10, chín rộ vào tháng 11, 12 và kéo dài sang tháng 2 năm sau. Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm cam Vinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn.
Để tiêu thụ cam, quýt, tránh tồn đọng vào vụ thu hoạch, hiện Sở NN và PTNT cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đang xây dựng kế hoạch tiêu thụ cam Vinh thông qua sàn thương mại điện tử như: Viettel, Post Mart; tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước; hướng dẫn người dân quy trình bán hàng trực tuyến, marketing, chăm sóc khách hàng qua các chợ online... Đồng thời, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cam quả thông qua các kênh: tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản khu vực miền Trung tại Nghệ An; tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản Nghệ An tại Hà Nội…
Phú Thọ: Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung
Toàn tỉnh xác định 54 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phân bố ở các huyện, thành, thị với tổng quy mô trên 1.300ha, trong đó có 48 khu nuôi tập trung theo hình thức thâm canh, còn lại sáu khu nuôi tại Phù Ninh, Hạ Hòa nuôi bán thâm canh.
Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn các địa phương quy hoạch, phát triển các vùng nuôi trồng tập trung với hạ tầng đồng bộ, giúp các hộ dân thuận tiện trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất. Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tỉnh còn tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào sản xuất thủy sản. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thu hút được ba doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên địa bàn Đoan Hùng, Phù Ninh, Việt Trì, Thanh Thủy. Nhờ đó, sản lượng nuôi và khai thác thủy sản của tỉnh liên tục tăng, năm 2020 đạt 40.500 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
TP Hồ Chí Minh: Cần khơi thông vốn cho công trình trọng điểm
Theo Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, thành phố thực hiện 46 dự án giao thông trọng điểm, với tổng vốn đầu tư gần 245 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân tại các dự án giao thông trọng điểm từ đầu năm 2021 đến nay mới chỉ đạt khoảng 13,5% so với kế hoạch đề ra, tương ứng với hơn 546 tỷ đồng. Trong đó, các dự án dự kiến khởi công năm 2021 mới giải ngân được 16,7 tỷ đồng, đạt 4,7% kế hoạch năm; nhóm dự án đang thi công giải ngân khoảng 337 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch. Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn về vốn. Các cấp, các ngành đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn này, tìm cách khơi thông nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đưa các công trình vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
PV