Hưng Yên: Nhãn lồng từng bước lên sàn thương mại điện tử

08:08, 05/08/2021

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên nền tảng số trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế (Bộ Công Thương) phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo triển khai sự kiện tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên từ ngày 3 đến 8-8 nhằm mở thêm kênh bán nông sản giá bình ổn cho thị trường Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được mở bán trên sàn thương mại điện tử sau hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên mùa vụ năm 2021 được tổ chức ngày 15-7; đồng thời cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, nhãn lồng Hưng Yên được mở bán cho khách hàng tại Hà Nội trong những ngày đầu tiên với giá ưu đãi đặc biệt giảm tới 35%-50% và hỗ trợ chi phí vận chuyển. Thông qua chương trình này, Sendo mong muốn một mặt hỗ trợ người nông dân có thêm đầu ra cho sản phẩm đồng thời mang thêm đặc sản trái cây chất lượng cao, giá bình ổn đến với người dân Hà Nội trong mùa dịch. Các đơn hàng của Sendo đang được giao theo đúng nguyên tắc giãn cách xã hội đảm bảo quy định về an toàn phòng chống dịch.

Hà Nội: Thị trường xáo trộn khi nhiều chợ, siêu thị đóng cửa

Việc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội phải tạm dừng hoạt động trong hai ngày qua do có liên quan tới các ca nhiễm COVID-19 đã gây ra nhiều biến động thị trường cung cầu hàng hóa. Trước tình hình này, các đơn vị cung ứng hàng hóa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm cung ứng hàng hóa kịp thời, đáp ứng nhu cầu nhân dân, đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa. Trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sở đã có văn bản hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm triển khai các giải pháp phong tỏa, xử lý khi gặp tình huống phải tạm đóng cửa do có ca lây nhiễm COVID-19, nhanh chóng bảo đảm an toàn để có thể hoạt động sớm trở lại. Chính quyền các địa phương tổ chức phân luồng, bố trí để người dân có nơi mua thực phẩm thiết yếu./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com