Phú Thọ: Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

07:07, 14/07/2021

Theo số liệu của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3.201,1 triệu USD, tăng 73,5% so với cùng kỳ; đạt gần 70% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.200,3 triệu USD, tăng 84,4% so với cùng kỳ; đạt trên 70% so với kế hoạch năm. Dệt may vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu có số lượng lớn, đảm bảo việc làm cho người lao động. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 4.500 triệu USD trong năm 2021, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, tận dụng hiệu quả các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác các thông tin chế độ chính sách mới về xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường thực hiện các chính sách đầu tư thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đưa vào sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh: Sẽ xem xét mở cửa lại một phần chợ đầu mối Thủ Đức

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét cho mở cửa trở lại một phần chợ đầu mối Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) trên cơ sở đánh giá các điều kiện phòng, chống dịch tại đây đã đảm bảo an toàn.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ còn 68/273 chợ hoạt động, trong đó cả 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn đều tạm ngưng do liên quan đến các ca mắc COVID-19. Trong kế hoạch cung ứng hàng hóa vẫn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố khi thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên, do dịch bệnh ở các địa phương xung quanh thành phố cũng như vùng nguyên liệu diễn biến khá phức tạp, các địa phương triển khai nhiều biện pháp kiểm soát đã ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, khi hàng hóa về tới Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm chốt kiểm soát trong nội đô nhiều khiến việc vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn tới các siêu thị, điểm phân phối gặp khó khăn. Để đảm bảo nguồn cung trong điều kiện hiện nay, Sở Công Thương thành phố cũng đã huy động những cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại các quận, huyện tăng cường thực phẩm tươi sống phục vụ cho người dân. Tuy nhiên, các cửa hàng tiện lợi tại các quận, huyện lại là cửa hàng nhỏ, không có kho dự trữ nên đã xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Ninh Bình: Ngành nông nghiệp phát triển ổn định

6 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng toàn ngành nông nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.257,2 tỷ động, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 2.976,3 tỷ đồng, vụ đông xuân thắng lợi toàn diện cả về năng suất, sản lượng và giá cả các loại cây trồng. Về chăn nuôi, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn tương đối ổn định: đàn lợn ước đạt gần 269 nghìn con (tăng 26,3%), đàn trâu bò giảm nhẹ, ước đạt 12,6 nghìn con, đàn gia cầm gần 6,4 triệu con… giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 1.053,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thủy sản 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh, sản lượng ước đạt gần 30 nghìn tấn. 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay đều đã hoàn thành từ 16 tiêu chí trở lên, có thêm 33 thôn, xóm được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com