Vượt qua đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Bắc Ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,45% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 7,59%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,86%; dịch vụ tăng 2,61%; thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm tăng 3,29%. Thu ngân sách ước 16 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%... Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 5 KCN tập trung; UBND tỉnh quyết định thành lập mới 4 KCN tập trung và 2 cụm công nghiệp. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc), đưa Bắc Ninh trở lại là một trong 5 tỉnh có điểm số cao nhất trên cả nước. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được duy trì, thông suốt, cơ bản ổn định, dư nợ tín dụng tăng 21,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,8%, xuất khẩu hàng hóa tăng gần 30% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực trong công nghiệp của địa phương. Bên cạnh giải pháp sáng tạo vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết tháng 5 Bắc Ninh đã đạt hơn 38%, trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh là 29%, ngân sách huyện, xã là 44%...
Bắc Giang: Thu hơn 6.800 tỷ đồng từ vải thiều
Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 215 nghìn tấn, tăng trên 50 nghìn tấn so với vụ năm 2020. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng. Vải thiều Bắc Giang có giá bán bình quân cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg; tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 126 nghìn tấn (chiếm khoảng 58,6%) và xuất khẩu trên 89 nghìn tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…; được các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU… đánh giá cao về chất lượng. Giá xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30-55 nghìn đồng/kg; riêng ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… giá bán ở mức rất cao, từ 350-450 nghìn đồng/kg. Tỉnh Bắc Giang có kế hoạch duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh vụ năm 2022 khoảng 28.100ha.
Nghệ An: Đề xuất gỡ vướng cho cụm công nghiệp
Trong số 53 CCN thuộc quy hoạch phát triển của tỉnh Nghệ An, hiện có 24 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 253 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê đất, tạo việc làm cho hơn 22 nghìn lao động; giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 3.650 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hàng năm khoảng 450 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, sự phát triển của CCN trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thuê đất để đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện di dời cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm vào sản xuất tập trung; đồng thời, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn vốn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lượng lớn lao động nông thôn. Các CCN đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy hạ tầng thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các CCN ở Nghệ An còn thiếu đồng bộ, chắp vá, nhất là ở hạng mục hệ thống thu gom, xử lý nước thải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường./.
PV