Quảng Ninh: Xây dựng các tour du lịch an toàn

07:07, 05/07/2021

Sau khi kiểm soát được đợt dịch COVID-19 thứ tư, để có thể nhanh chóng khởi động lại hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ trên cơ sở kiểm soát an toàn.

Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Quảng Ninh) đã phối hợp với Trung tâm Lữ hành Heritage xây dựng 25 chương trình tour đưa du khách tới các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, các đơn vị sẽ cùng nhau khai thác nhiều sản phẩm du lịch, từ du lịch biên giới, biển đảo tại tuyến: Cẩm Phả - Móng Cái - Vân Đồn - Cô Tô; du lịch sinh thái, cộng đồng tuyến Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ, đến du lịch tâm linh tuyến Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên... Điểm chung của các tour này là đều bao gồm dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho du khách.

Để xây dựng được chương trình tour an toàn, Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với ngành du lịch và các đơn vị xây dựng quy trình đón tiếp khép kín, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng, đồng thời tuân thủ nghiêm quy định “5K” trong suốt hành trình trải nghiệm của du khách.

Các công ty lữ hành sẽ chỉ sử dụng phương tiện vận chuyển và cơ sở lưu trú được chứng nhận an toàn. Trong vòng 24 giờ trước khi phục vụ, xe khách phải được khử khuẩn rồi niêm phong; trên xe bảo đảm giãn cách.

Các nhà hàng chỉ phục vụ bàn 6 người thay vì bàn 8 người như trước đây. Khách sạn là phải có dịch vụ giặt là vừa để quản lý chất lượng, vừa tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh (nếu có) ra cộng đồng.

Sơn La: Nhiều hộ trồng cây ăn quả có doanh thu hơn 200 triệu đồng/ha

Tỉnh Sơn La đến nay có hơn 600 HTX đang hoạt động, với gần 30 nghìn thành viên. Trong số này, có hơn 500 HTX thuộc lĩnh vực trồng trọt và nông nghiệp tổng hợp, còn lại là các hợp tác xã thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi…

Từ sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, với nhiều cơ chế, chính sách sát thực tiễn, các hợp tác xã ở Sơn La không chỉ tăng mạnh về số lượng (thời điểm năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 90 HTX), mà còn tăng về quy mô, đáp ứng nhu cầu hình thành chuỗi sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều mô hình HTX nông nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, như doanh thu trung bình của mô hình trồng bơ gần 220 triệu đồng/ha, xoài ghép hơn 260 triệu đồng/ha, na gần 360 triệu đồng/ha, mận hậu 230 triệu đồng/ha, thanh long 225 triệu đồng/ha, dâu tây gần 420 triệu đồng/ha…

Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, chế biến, nhiều HTX còn trực tiếp tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương, điển hình là HTX Đảo Ngọc ở xã Mường Bú, huyện Mường La; HTX Nông nghiệp Đoàn Kết ở huyện Mộc Châu; HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc ở huyện Yên Châu, Công ty Thương mại và Dịch vụ Trường Mai ở huyện Mai Sơn./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com