Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, kể cả khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa trong năm 2021 sẽ gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và được triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa.
Đây cũng là kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) năm 2021, Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn và ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành. Tham gia chương trình này sẽ có các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) với 65,65 triệu cái/3 tháng, nước rửa tay sát khuẩn với 4,52 triệu chai (1,7 triệu lít)/3 tháng; 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…), đường RE - RS, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị. Để tham gia chương trình BOTT, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia phải có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện; có hệ thống phân phối, đại lý, mạng lưới bán hàng (ít nhất 12 điểm bán) hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia Chương trình BOTT được vay vốn kịp thời và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Quảng Trị: Đầu tư Cảng hàng không theo phương thức đối tác công tư
Ngày 6-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo đúng quy định của pháp luật, về đầu tư theo phương thức đối tác công tư như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản ngày 5-4. Văn bản số 447 TTg-CN về việc triển khai dự án Cảng hàng không Quảng Trị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 6-4, nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, là cảng hàng không nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự; với tổng diện tích hơn 316ha, trong đó diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha, diện tích đất quân sự hơn 51ha, diện tích dùng chung hơn 177ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Phần diện tích đất quy hoạch cảng hàng không không vướng các khu dân cư hoặc các công trình công cộng.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.400 tỷ đồng; góp phần bảo đảm ổn định quốc phòng - an ninh, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực Bắc Trung Bộ; thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ. Dự kiến, quý 3-2021 sẽ khởi công dự án và cố gắng hoàn thành đưa vào khai thác đầu năm 2023. Hiện, đã có các nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng đầu tư vào Dự án Cảng hàng không Quảng Trị./.
PV