Chiều 26-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo Ban Chỉ đạo, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao. Lý do, tình hình dịch bệnh được khống chế, dẫn đến một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng, nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn. Các đoàn kiểm tra của thành phố tăng cường kiểm tra, xử phạt việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính, sẵn sàng ở mức độ cao nhất ứng phó với dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.
Bắc Giang: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%. Giai đoạn 2021-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở hoạt động GDNN tuyển sinh và đào tạo nghề cho 147.500 lao động. Trong đó, hơn 80 nghìn lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tỷ lệ người học trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 90% trở lên. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn theo hướng mở, linh hoạt, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành nghề), vùng, miền, có phân luồng chất lượng. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập của tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, từng bước nâng cấp trình độ đào tạo các ngành, nghề từ trung cấp lên cao đẳng, trong đó chú trọng ở nhóm ngành, nghề y, dược, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đổi mới chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN theo hướng nâng cao năng lực thực hiện; đẩy mạnh đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ, dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục nghề nghiệp. Triển khai đào tạo cho học sinh, sinh viên của các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao; chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp THCS.
Quảng Nam: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,87%
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,87% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước, khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%; các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm hơn 3%. Để đạt mục tiêu, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành; thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đặc thù của tỉnh để bổ sung vào hệ thống chính sách giảm nghèo của quốc gia, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội...
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,9% xuống còn 5,23%, bình quân mỗi năm giảm 1,53%; nhiều xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và ra khỏi danh sách xã nghèo. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững./.
Theo nhandan.com.vn