Ninh Bình là tỉnh thuần nông với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp từ lâu đời. Thời gian qua, việc phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp, nông thôn đã thu hút, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Điển hình như các mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm làm nông dân tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn; du lịch sinh thái nông nghiệp tại thành phố Tam Điệp hay trồng sen Nhật kết hợp thả cá tại huyện Hoa Lư... Thời gian tới, tỉnh xác định ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, hài hòa, phù hợp điều kiện từng vùng, miền. Tỉnh khuyến khích các địa phương khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của mình để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn thông qua báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch... Các ban, ngành, chính quyền địa phương khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời giữ gìn nét văn hóa truyền thống; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...
Cà Mau: Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề cao cho 140 nghìn người
Tỉnh Cà Mau có gần 1,2 triệu dân, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 690 nghìn người. Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp tăng cường đào tạo nghề cho người lao động. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu, dẫn đến khả năng cạnh tranh hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo của tỉnh đạt hơn 50%. Trong đó, lao động qua đào tạo phục vụ trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp chiếm 57,2%; ngành công nghiệp sửa chữa, may mặc, chế biến, dịch vụ chiếm 42,8%.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 140 nghìn người có tay nghề cao nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhóm giải pháp quan trọng được xác định là tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô của Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu từng lĩnh vực, ưu tiên các nghề trọng điểm. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại và phù hợp, đáp ứng nhu cầu dạy, học nghề. Đồng thời, chú trọng kết hợp giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương gắn với thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ bên ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển chung. Tỉnh cũng mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp quy hoạch; tăng quy mô, đa dạng ngành nghề và loại hình đào tạo; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo từng ngành nghề, trình độ./.
PV