UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư công lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII nên yêu cầu cần phải xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư phát triển giao thông toàn diện, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, triển khai phân bổ nguồn lực, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển để báo cáo thông qua Thành ủy, HĐND thành phố chấp thuận. Theo đó, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông chiếm từ 60-70% nguồn lực đầu tư công của thành phố. Trong đó, đầu tư công giai đoạn 2021-2025 lên đến hơn 200 nghìn tỷ đồng, nhiều gấp 2 lần giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan lập danh mục các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với các quy hoạch được duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, xác định nhu cầu, nguồn vốn thực hiện, tính khả thi của nguồn vốn, xác định khu vực vốn đầu tư công. Sau khi lập, hoàn thiện danh mục, xác định nhu cầu, nguồn vốn, đề xuất cơ chế thực hiện, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy và HĐND thành phố, để đến ngày 31-5-2021 hoàn thành danh mục dự án hạ tầng giao thông ưu tiên đầu tư.
Quảng Trị: Nuôi trồng thủy sản vụ mới nhiều khó khăn
Các hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Quảng Trị đang vào vụ mới trong năm 2021, nhưng gặp khó khăn khi phải dồn lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ lịch sử hồi cuối năm 2020 gây ra. Vụ nuôi này con giống cũng có nguy cơ thiếu, do các cơ sở sản xuất con giống ở địa phương chưa thể khôi phục hoàn toàn. Do đó nhiều hộ phải mua con giống từ các tỉnh phía Nam, sau khi đưa về phải ương nuôi từ 10-15 ngày để con giống thích ứng với môi trường ở địa phương mới tiến hành thả nuôi. Ngoài ra các hộ nuôi thủy sản cũng thiếu vốn để đầu tư cải tạo ao nuôi, do đã bị thiệt hại nặng sau lũ lụt.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 50 tấn hóa chất Chlorinemin 65% để xử lý môi trường và 10 triệu con tôm giống cùng 20 tấn thức ăn. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, mật độ thả nuôi cá bình quân 1 con/m2 nên cần hỗ trợ gần 12 triệu con với các loại cá: trê, trắm, mè, chép... để thả nuôi cho gần 1.200ha. Với diện tích nuôi tôm bị thiệt hại gần 700ha, nhu cầu hỗ trợ hóa chất Chlorinemin 65% trên 1ha là 300kg, do đó khối lượng hóa chất cần hỗ trợ là gần 210 tấn. Mật độ nuôi tôm 40 con/m2 nên số lượng tôm giống cần hỗ trợ để thả nuôi cho gần 700ha là gần 280 triệu con./.
PV