Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất làng nghề, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển mới từ 30 đến 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, bảo đảm mỗi quận, huyện, thị xã có từ hai điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khảo sát, lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định. Công bố các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí theo quy định.
Cùng với đó, tuyên truyền thông tin chương trình lễ khai trương và phát triển hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tổ chức hội nghị liên kết thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng ba sao trở lên tại Hà Nội; kết nối các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội với các tỉnh, thành phố để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc vận hành duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã khai trương năm 2020 và các điểm khai trương năm 2021.
Khánh Hòa: Phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng hơn 46,5%
Thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm trồng mới tám triệu cây xanh phân tán và 1.600ha rừng tập trung, phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ che phủ rừng hơn 46,5%.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành rà soát quy hoạch sử dụng đất để xác định quỹ đất trồng cây xanh; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán giai đoạn 2021-2025. Tỉnh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia trồng cây xanh vì cộng đồng; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện trồng cây, trồng rừng; chủ động chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với những chủng loại và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp từng khu vực. Đồng thời, tỉnh tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình làm tốt và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, cây xanh...
Giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã trồng được 6.177ha rừng trồng tập trung, trong đó có 1.605ha rừng phòng hộ, 4.572ha rừng sản xuất và hơn 2,2 triệu cây phân tán.
Bạc Liêu: Đẩy mạnh phát triển du lịch
Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, tổng doanh thu du lịch đạt 10 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động (trong đó có 12 nghìn lao động trực tiếp). Toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu, Bạc Liêu chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, tăng cường kết nối ngành du lịch của tỉnh với các trung tâm du lịch tại thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trong cả nước; nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Tỉnh tăng cường khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với các dự án điện gió; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch như dự án xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy - Đông Hải, điểm du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch vườn chim Lập Điền, huyện Đông Hải; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu Nhà Công tử Bạc Liêu theo định hướng đầu tư toàn khu thành Khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch. Đồng thời, tỉnh tích cực thu hút đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái, dịch vụ giải trí cao cấp ven biển...; tiếp tục thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch, tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại khu nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; khai thác chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mô hình trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thu hoạch và mua sắm các sản phẩm, quà du lịch chế biến từ muối sẽ được nghiên cứu triển khai, phục vụ phát triển ngành công nghiệp không khói./.
Theo nhandan.com.vn