Tỉnh Lai Châu hiện có 10 trang trại chăn nuôi, 13 trang trại tổng hợp có hoạt động chăn nuôi, bảy hợp tác xã (HTX) hoạt động chăn nuôi, có 117 HTX nông nghiệp, 91 tổ hợp tác, 33 trang trại. Các HTX, trang trại, tổ hợp tác giải quyết việc làm cho 2.500 lao động với thu nhập từ 42 đến 60 triệu đồng/người/năm; một số HTX nông nghiệp, trang trại phát triển theo hướng gắn với vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: vùng chè, cây ăn quả, rau sạch, nuôi cá lồng, cá nước lạnh... Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, bước đầu hình thành liên kết “bốn nhà”, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 16,49%. Nhằm đạt kết quả hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến mạnh về tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất của người dân trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, như chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giảm nghèo; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Duy trì hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa, chè, quế, sơn tra, mắc-ca, cây ăn quả ôn đới… tại các huyện: Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu; khai thác tiềm năng mặt nước trên hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè; phát huy thế mạnh về cây có giá trị kinh tế cao như quế, sơn tra, mắc-ca trồng ở các huyện: Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường.
Hải Dương: Đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện lưu thông hàng hóa
Trước tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương không thể qua chốt kiểm soát của một số tỉnh, thành phố vì lý do dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu.
Nội dung văn bản như sau: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm… cơ bản đã tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh, do vậy nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hóa trở lại hoạt động tăng nhiều sau kỳ nghỉ Tết. Đối với nông sản, trên địa bàn tỉnh còn 4.087ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch; sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản tại nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa). Tuy nhiên, đã xuất hiện việc các tỉnh, thành phố giáp ranh Hải Dương không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh. Để thực hiện đúng nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTG ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có chỉ đạo: Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất). UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tạo điều kiện, cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương (đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định) để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu theo đúng kế hoạch./.
PV