Theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2020, lượng khách đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách (bằng 30% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt.
Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong phần lớn thời gian năm 2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, trong khi đó, khách du lịch trong nước cũng sụt giảm theo.
Ngành du lịch chào đón những vị khách đầu tiên đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2020, do từng bước khống chế được dịch bệnh, số lượng khách du lịch đến Thủ đô đã tăng trưởng trở lại.
Từ những kết quả nêu trên, căn cứ vào các dự báo và đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, trong năm 2021, ngành du lịch Thủ đô phấn đấu đón từ 13,16 triệu đến 19,04 triệu lượt khách. Trong đó, khách trong nước đạt từ 10,96 triệu đến 15,34 triệu lượt, tăng từ 50-70% so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, có tính đặc thù của văn hoá Thủ đô, phát triển các tua du lịch đêm. Ngoài ra, thành phố cũng nỗ lực bảo đảm an toàn cho khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện văn minh để Hà Nội thực sự là điểm đến hấp dẫn. Sở Du lịch Hà Nội hiện tiếp tục tham mưu về chương trình hợp tác quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình CNN năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời sẵn sàng các phương án để đón khách quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.
Quảng Nam: Dồn sức xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Nam có 116 xã và hai huyện Phú Ninh, Duy Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, giúp thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trong tỉnh năm 2020 đạt 40,5 triệu đồng, tăng 30,3 triệu đồng so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 5,3%, giảm hơn 18,9% so năm 2010...
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên 1,36 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8% và duy trì mức giảm nghèo ở các huyện nghèo từ 3 đến 4%/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tổ chức xây dựng, rà soát quy hoạch hệ thống cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư hỗ trợ các phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ; từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế theo hướng bền vững./.
Theo nhandan.com.vn