Tập đoàn Tuần Châu ngày 28-12 cho biết, sẽ tổ chức một chương trình nghệ thuật đặc sắc theo hình thức lễ hội đường phố (carnaval) với chủ đề “Bừng sáng kỳ quan - Lan tỏa nụ cười Hạ Long”.
Ngày hội quy tụ hơn 1.000 người mẫu, diễn viên, vũ công chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hóa trang trong những trang phục rực rỡ sắc màu sẽ diễn ra vào 16 giờ ngày 1-1-2021, tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long.
Điểm nhấn của lễ hội là không gian mở của sân khấu với bối cảnh là toàn bộ không gian Vịnh Hạ Long phía sau, trên mặt Vịnh sẽ có hơn 100 con tàu du lịch diễu hành qua lại khu vực sân khấu. Phía trên bầu trời sẽ là màn trình diễn đầy ấn tượng của trực thăng, thủy phi cơ và dù lượn.
Kiên Giang: Hơn 17 tỷ đồng phòng, chống thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô
Bước vào mùa khô năm 2021, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiếu nước, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… với tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỷ đồng.
Tỉnh xác định vùng có khả năng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô là 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé, trung tâm các huyện và vùng hải đảo. Tiếp đến, hai Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng thiếu nước phòng chống cháy rừng.
Để đảm bảo nước sinh hoạt an toàn cho các vùng này trong mùa khô, đơn vị chức năng của tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ, vận hành hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé (Châu Thành).
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai vận hành cống Kênh Nhánh (thành phố Rạch Giá) để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây phục vụ Nhà máy nước Rạch Giá.
Đặc biệt, tỉnh đầu tư khoan thêm giếng để dự phòng và bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước, điểm cấp nước tập trung ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo.
Hà Nội: Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 21%
Để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Nội đã kịp thời cơ cấu lại lãi suất và thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp. Tính đến ngày 31-10-2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.192 khách hàng với tổng dư nợ đạt 43.324 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 1.034 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt 67 tỷ đồng. Thành phố cũng đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Đến ngày 31-10-2020, tổng dư nợ cho vay đạt 445.684 tỷ đồng với hơn 37 nghìn lượt khách hàng.
Sở Tài chính Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện 21 chương trình, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như: Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; khuyến công; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành; bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; hỗ trợ pháp lý...
Ước tính đến ngày 31-12-2020, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 26.441 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lên 303.646 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 6.298 doanh nghiệp (tăng 21% so với cùng kỳ)./.
PV