Ngày 2-12, tại trụ sở UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam), lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana) đã trao 200 suất học bổng (mỗi suất một triệu đồng), tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, vượt khó của huyện Thăng Bình.
Cũng tại đây, đại diện Hoiana đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND huyện Thăng Bình và Tổ chức Children of Vietnam cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển giáo dục trong khu vực.
Ðược biết, tổng số tài trợ từ Hoiana cho chương trình là 25 nghìn USD; trong đó bao gồm: 200 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó (1 triệu đồng/học sinh) và chi phí xây dựng phòng học cho Trường mẫu giáo Bình Phục (thôn Ngọc Sơn Ðông, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình).
Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Thực hiện Quyết định số 899/QÐ-TTg, ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Ðề án cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Ðề án số 03-ÐA/TU, ngày 20-2-2014 về “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”. Tính đến nay, đề án đã đạt nhiều kết quả nổi bật nhờ sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi đúng định hướng, giảm dần diện tích đất lúa kém hiệu quả, tăng dần diện tích cây lâu năm đã nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị trên một đơn vị trồng trọt tăng từ 119,88 triệu đồng/ha năm 2013, lên 214 triệu đồng/ha năm vào năm 2020. Diện tích gieo trồng lúa năm 2013 là 181.951ha, giảm còn 147.672ha năm 2020; hình thành được một số vùng chất lượng cao, diện tích lúa sử dụng giống chất lượng cao chiếm 60 đến 70% diện tích gieo trồng trong từng vụ; hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cây lúa với hệ thống cung ứng đầu ra, sơ chế, xay xát, đóng gói chuyên nghiệp, liên kết trong sản xuất tiêu thụ…
Bên cạnh đó tỉnh quan tâm đến hỗ trợ thúc đẩy làng nghề. Tính đến nay, Vĩnh Long có 92 làng nghề truyền thống, trong đó 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Triển khai thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh đã có 19 sản phẩm được công nhận (năm sản phẩm đạt bốn sao và 14 sản phẩm đạt ba sao); xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với 35 mặt hàng, một số địa phương đưa chương trình OCOP vào chỉ tiêu nghị quyết hàng năm và nhiệm kỳ 2020-2025./.
Theo nhandan.com.vn