Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Long An đào tạo nghề cho gần 230 nghìn lao động, vượt 3% kế hoạch đề ra; trong đó, có hơn 60 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của đề án, với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh có 859 người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm gần 18,7% tổng số người nghèo tham gia học nghề. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tự tạo việc làm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng cao hơn; được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc hoặc giao hàng gia công tại hộ gia đình; tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất…
Từ nay đến năm 2025, Long An đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 160 nghìn lao động, trong đó có ít nhất 80% số lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Đồng Tháp: Gần 40 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm tại Hội chợ “Sản phẩm OCOP - Kết nối vươn xa”
Từ ngày 10 đến 15-12, Hội chợ Triển lãm Thương mại “Sản phẩm OCOP - Kết nối vươn xa” Đồng Tháp năm 2020 đã thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Hội chợ thu hút gần 200 đơn vị của tỉnh Đồng Tháp đăng ký, với 365 gian hàng và 23 tỉnh, thành trong cả nước tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm. Trong số các đơn vị tham gia có 74 đơn vị trưng bày sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên.
Trong khuôn khổ Hội chợ đã diễn ra các hội thi, hội thảo, các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị tham gia…
Hội chợ nhằm góp phần giúp các cơ sở, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đến người tiêu dùng, tăng cường hợp tác cung ứng sản phẩm tại các địa phương. Bên cạnh đó, Hội chợ cũng là dịp để kích thích phong trào khởi nghiệp của người dân từ các tài nguyên bản địa và đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Lai Châu: Nông dân làm giàu từ cây chuối xanh
Sau nhiều năm loay hoay tìm cây trồng phù hợp trên đất dốc, cây chuối đã bám rễ và phát triển ở các xã dọc biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đến nay, địa phương đã có gần 4.000ha chuối, cho sản lượng thu hoạch khoảng 45 nghìn tấn mỗi năm.
Sản phẩm chuối xanh sau thu hoạch được người nông dân bán cho các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để có thị trường đầu ra ổn định, cơ quan chức năng địa phương đã cấp 27 mã vùng trồng cho người nông dân theo yêu cầu phía Trung Quốc và làm việc với 20 cơ sở đóng gói để bình ổn giá cho người nông dân.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng giá chuối hiện vẫn giữ ở mức từ 10 nghìn đến 12 nghìn đồng/1kg. Thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được gần 25 nghìn tấn chuối xanh Ngoài trồng chuối, tại chợ chuối ở cửa khẩu Ma Lù Thàng đã có nhiều người dân địa phương trở thành thương lái khi mua để bán lại cho các doanh nghiệp kiếm lời.
Trung bình mỗi ngày có hàng trăm tấn chuối được các doanh nghiệp thu mua, tập kết để xuất khẩu. Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tới đây, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm cơ chế xây dựng nhà máy chế biến, nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân trên địa bàn./.
Theo nhandan.com.vn