Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay thành phố có 26 bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ. Thành phố cũng đã có 6 bệnh viện tham gia chương trình quốc tế về đánh giá chất lượng điều trị đột quỵ (RES.Q).
Nếu như vào thời điểm tháng 7-2019 thành phố có 17 bệnh viện tham gia điều trị đột quỵ ở nhiều mức độ khác nhau thì đến nay, số bệnh viện điều trị đột quỵ đã tăng lên 26 bệnh viện.
Bên cạnh đó, mạng lưới 34 trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố bao phủ khắp địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng ứng cứu và vận chuyển người bệnh bị đột quỵ đến các bệnh viện có năng lực điều trị đột quỵ phù hợp. Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc tăng số lượng bệnh viện điều trị đột quỵ cùng với tăng số trạm cấp cứu vệ tinh chắc chắn sẽ làm gia tăng cơ hội cho người bệnh được can thiệp điều trị trong khoảng “cửa sổ thời gian vàng”, tăng khả năng cứu sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Mới đây tháng 10-2020, Hội đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu một ứng dụng thông minh giúp tra cứu và xác định nhanh bệnh viện điều trị đột quỵ gần nhất để chuyển người bệnh đến điều trị cấp cứu, ứng dụng này chắc chắn sẽ là một kênh thông tin hữu ích về chăm sóc sức khoẻ cho người dân thành phố.
Hà Nội: Cơ bản khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
Sở NN và PTNT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về diễn biến tình hình công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 3 đợt, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 459 con (50 lợn sinh sản và 409 con thương phẩm) với tổng trọng lượng là 28.731,2kg.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 ổ dịch tại các xã: Ðông Phương Yên (huyện Chương Mỹ); Võng La, Bắc Hồng (huyện Ðông Anh); Dũng Tiến (huyện Thường Tín); Tri Thủy, Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã qua 21 ngày không phát sinh, cơ bản được khống chế.
Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định; tăng cường kiểm tra các cơ sở việc tái đàn bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch bệnh, đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính./.
PV