Bạc Liêu: Gắn biển Công trình Cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam

07:10, 13/10/2020

Chiều 11-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ gắn biển Công trình Cống Âu thuyền Ninh Quới. Đây là Công trình thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2020-2025.

Công trình Cống Âu thuyền Ninh Quới là công trình âu thuyền lớn nhất Việt Nam, ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến. Công trình được xây dựng trên tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, kết cấu chính của công trình gồm có 2 cống hở ở 2 đầu và buồng âu dài 150m, đáy rộng 31,5m và cửa van, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực.

Theo kế hoạch, thời gian thi công Công trình dự kiến 29 tháng. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, khi hạn mặn diễn ra gay gắt, Công trình đã được chủ đầu tư hợp phần xây dựng là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào vận hành sớm hơn 13 tháng so với dự kiến.

Cống Âu thuyền Ninh Quới vận hành đã góp phần cùng với những công trình khác xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.

Sơn La: Thủy điện Sơn La chính thức cán mốc sản lượng phát điện 100 tỷ kWh

Ngày 11-10, Công ty Thủy điện Sơn La chính thức cán mốc sản lượng phát điện 100 tỷ KWh, sau 10 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La và 4 năm đối với Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Công ty Thủy điện Sơn La (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thành lập ngày 14-2-2011, được giao nhiệm vụ quản lý và vận hành hai nhà máy thủy điện. Đó là Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW và Nhà máy Thủy điện Lai Châu với công suất 1.200 MW gồm 3 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW nằm trên bậc thang sông Đà.

Mỗi năm, hai nhà máy này cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Đây là hai nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nên đều được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Thủy điện Sơn La luôn là đơn vị dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc. Tổng giá trị nộp ngân sách Nhà nước của công ty từ khi thành lập đến nay xấp xỉ 17 nghìn tỷ đồng; trong đó, nộp ngân sách Nhà nước từ Nhà máy Thủy điện Sơn La xấp xỉ 13.400 tỷ đồng và Nhà máy Thủy điện Lai Châu xấp xỉ 3.600 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc đưa công trình Thủy điện Sơn La vào vận hành không những làm tăng lượng điện sản xuất hàng năm cho Thủy điện Hòa Bình trung bình 1,2 tỷ kWh, mà còn điều tiết lũ cho hồ thủy điện Hòa Bình, hạ du đồng bằng Bắc Bộ và cung cấp nước cho hạ lưu vào mùa khô./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com