Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất nước, Tiền Giang đang tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi đất trồng lúa, cây ăn quả kém chất lượng sang trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và tình hình xâm nhập mặn gay gắt những năm gần đây, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang đạt hơn 80 nghìn ha, tăng khoảng 10 nghìn ha so với năm 2015, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, nhiều loại cây ăn quả có vùng trồng tập trung như: dứa 15.500ha, sầu riêng hơn 13 nghìn ha, thanh long gần 10 nghìn ha, mít khoảng 6.000ha… Cây thanh long tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây và một số nơi ở huyện biển Gò Công Đông; sầu riêng tập trung ở huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè; cây mít được trồng rải đều khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong số này, khoảng 700ha cây ăn quả đặc sản được trồng theo quy trình GlobalGAP, VietGAP như, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng...
Để cây ăn quả đặc sản phát triển tốt và tăng trưởng bền vững, tỉnh Tiền Giang đã và đang tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng cao, đồng đều, rải vụ, giảm chi phí đầu vào và tinh gọn chuỗi giá trị, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cây ăn quả đặc sản mang tầm khu vực và quốc gia, tích cực quảng bá mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế. Cụ thể như: tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ; sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, xây dựng và giữ vững thương hiệu mạnh đại diện cho quốc gia; giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới.
TP Hồ Chí Minh: Triển khai chương trình kích cầu du lịch mới
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục triển khai chương trình kích cầu lần thứ hai mang thông điệp “Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến an toàn”. Các điểm tham quan sẽ miễn, giảm giá vé vào cổng từ 50 đến 100%, các cơ sở dịch vụ sẽ giảm giá từ 30% trở lên. Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố sẽ làm việc với doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, nhà hàng và các điểm tham quan xây dựng chương trình kích cầu và phát hành phiếu giảm giá 30% trở lên khi sử dụng các dịch vụ du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ phát hành khoảng 50 nghìn vé kích cầu, dự kiến kéo dài từ tháng 9-2020 đến hết quý I-2021./.
Theo nhandan.com.vn