10 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 52.200 lao động nông thôn, trong đó có 945 lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 9.500 lao động thuộc hộ nghèo, gần 4.000 lao động thuộc hộ cận nghèo, 122 người khuyết tật..., với tổng kinh phí gần 61 tỷ đồng. Tỉnh đầu tư xây dựng 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 7 cơ sở công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cập nhật, sửa chữa hoặc xây dựng mới 131 chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 5.100 lượt cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ trung cấp trở lên cho gần 1.300 người.
Để đạt mục tiêu đào tạo nghề cho 120 nghìn lao động nông thôn từ nay đến năm 2025, tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn phù hợp, sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tỉnh thành lập tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, huyện, xã; chú trọng chất lượng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều phối thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bắc Giang: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, miền
Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện 11 dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động của người dân, doanh nghiệp.
Các dự án chú trọng những nội dung chuyển giao, làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân ở vùng miền núi và vùng đồng bào DTTS của tỉnh được nâng cao; hiệu quả sản xuất tăng lên. Nhiều dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế” đã giúp cải tạo, tăng năng suất chè lên từ 20-40%, tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn chất lượng cao cung cấp cho nhà máy. Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu địa hoàng theo hướng thực hành tốt trồng trọt và thu hái và chế biến một số thành phẩm từ địa hoàng” cho hiệu quả kinh tế đạt hơn 130 triệu đồng/ha, gấp 2,5 lần so trồng lúa./.
PV