Tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 7.500 lao động nông thôn; ưu tiên đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tỉnh chú trọng đào tạo nghề đi đôi với giải quyết công ăn việc làm; lồng ghép đào tạo nghề với hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất để sau khi học nghề, người lao động chủ động hơn trong sản xuất. Về lâu dài, Bến Tre tăng cường hoạt động liên kết giữa các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề, cơ sở đào tạo. Đồng thời, tỉnh xây dựng chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ, các nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình đào tạo nghề.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 14 cơ sở công lập, bảy cơ sở thuộc doanh nghiệp và tư thục. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với ngành nghề đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề; hơn 80% lao động nông thôn được giải quyết việc làm sau khi kết thúc khóa học.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhân rộng mô hình học tập ở cơ sở
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được kết quả tốt sau 5 năm triển khai thực hiện. Với vai trò nòng cốt, Hội Khuyến học tỉnh chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả, thúc đẩy mô hình “Gia đình học tập” trở thành phong trào thi đua trong mỗi gia đình. Từ cuối năm 2018, tỉnh thực hiện vượt chỉ tiêu số lượng các mô hình học tập do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh đề ra. Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 212.947 gia đình đạt “Gia đình học tập”. Hiện trên địa bàn tỉnh có 545 khu phố, thôn, ấp đăng ký cộng đồng học tập; 380 cơ quan, trường học đăng ký đơn vị học tập; 75 phường, xã đăng ký cộng đồng học tập cấp xã.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình xã hội học tập tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị đổi mới công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực này; hội khuyến học cấp xã tích cực phối hợp các trung tâm văn hóa - thông tin, trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp chuyên đề phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và các lớp học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tiếp tục phát triển tổ chức cơ sở hội khuyến học tại các cơ quan, đơn vị. Các địa phương trong tỉnh phấn đấu năm 2021 và các năm tiếp, 100% gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, trong đó 80% số gia đình được công nhận danh hiệu này; 80% dòng họ được công nhận dòng họ học tập; 100% phường, xã, thị trấn được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã./.
Theo nhandan.com.vn