Hải Phòng: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

07:07, 15/07/2020

5 năm qua, bình quân mỗi năm thành phố Hải Phòng có hơn 57 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố và Trung ương chiếm từ 1% đến 3%, cấp huyện chiếm từ 15% đến 21%, cấp xã chiếm từ 76% đến 84%. Bình quân thu nhập của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố và Trung ương đạt 200 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hơn ba tỷ đồng/năm; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện đạt 100 triệu đồng/năm và cấp xã đạt 40 triệu đồng/năm.

Nông dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương (Hải Phòng) trồng cây cam canh cho thu nhập ổn định.
Nông dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương (Hải Phòng) trồng cây cam canh cho thu nhập ổn định.

Vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân thành phố Hải Phòng thời gian qua. Để phong trào tiếp tục được nhân rộng, tạo thêm động lực khuyến khích, động viên hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu những mô hình hay, tấm gương tiêu biểu giúp hội viên học tập và làm theo. Đồng thời, thường xuyên chủ động phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân,... Cùng với đó, các cấp hội tập trung xây dựng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả cao để làm điểm, giúp hội viên, nông dân học tập, làm theo; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Tiền Giang: Nhân rộng vùng nuôi áp dụng khoa học công nghệ

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thả nuôi được gần 11.500ha thủy sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, đạt hơn 73% chỉ tiêu của năm. Sáu tháng qua, sản lượng nuôi và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt gần 143 nghìn tấn tôm, cá.

Phát huy tiềm năng nuôi thủy sản ở cả ba vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân địa bàn khó khăn và thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang coi trọng công tác quy hoạch vùng nuôi, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân thâm canh đạt sản lượng cao, khuyến khích nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả kinh tế, định hướng chuyển đổi sản xuất ở những địa bàn khó khăn sang nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ; đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên diện tích 379ha với gần 100 hộ tham gia tại hai huyện trọng điểm là Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Đồng thời, thực hiện Dự án xây dựng mô hình ương cá tra giống ứng dụng công nghệ cao liên kết tiêu thụ tại các tỉnh Nam Bộ từ năm 2020 đến năm 2022, với quy mô 6ha ương cá tra giống công nghệ cao.

Tiền Giang còn thực hiện các mô hình thử nghiệm để phổ cập kiến thức khoa học, nâng cao trình độ nuôi thủy sản nước mặn, lợ cho người dân ven biển Gò Công, gồm: Nuôi tôm thẻ ba giai đoạn trong bể com-pô-dít; thử nghiệm hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước; thử nghiệm nuôi tôm tít; chuyển giao quy trình nuôi thủy sản theo hướng GAP. Trong tỉnh hiện có 6,4ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP; 15,8ha nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC; 45,9ha nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP và 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com