Năm 2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu có thêm 12 đến 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; bình quân mỗi huyện, thị xã có từ hai đến ba xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tất cả các huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Để đạt mục tiêu đề ra, các xã đã đạt chuẩn NTM trong tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, ưu tiên phát triển thế mạnh của từng khu vực như cây ăn trái, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp... Cùng với đó, các đơn vị quan tâm sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Hiện, tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh đang có hơn 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng. Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng đang tiếp tục phát triển. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Hậu Giang: Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch
Quyết định 952/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi quy hoạch là phần lãnh thổ tỉnh Hậu Giang với tổng diện tích tự nhiên là 1.621,71km2, gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và các huyện: Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và Châu Thành A. Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của tỉnh và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu... UBND tỉnh Hậu Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định./.
Theo nhandan.com.vn