Ngày 30-5, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang La Văn Nam cho biết, 309 thương nhân Trung Quốc đã được Bộ Công an chấp thuận cho phép nhập cảnh vào Bắc Giang để thu mua vải thiều. Huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức thực hiện cách ly tập trung đối với các thương nhân đủ thời gian 14 ngày theo quy định. Sau thời gian cách ly y tế theo quy định, căn cứ kết quả xét nghiệm COVID-19, các thương nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành cách ly y tế và được hoạt động giao dịch, thu mua vải thiều bình thường tại địa phương. Năm nay, tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn khoảng hơn 15.200ha, sản lượng đạt hơn 85 nghìn tấn; trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 11 nghìn ha, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 100ha. Dự kiến, vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10-6 đến 30-7.
Quảng Nam: Hỗ trợ người chăn nuôi và đẩy mạnh tái đàn lợn
Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thành Nam cho biết, thời gian qua, bên cạnh công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn (DTL) châu Phi, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương và các sở, ban, ngành liên quan triển khai các giải pháp tái đàn lợn. Sở NN và PTNT tỉnh đã hướng dẫn người nuôi thực hiện tái đàn theo hướng tăng cường một số biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTL châu Phi. Tính đến cuối tháng 5, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 250 nghìn con, chỉ bằng 51,8% so với thời điểm trước khi xảy bệnh DTL châu Phi. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước đạt 290 nghìn con. Hiện tại, các cơ sở tái đàn nuôi lợn chủ yếu là cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và một số cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó chú trọng khâu cách ly và tiêu độc khử trùng.
Thái Nguyên: Triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Xác định ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân tỉnh, phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác. Qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, Thái Nguyên đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung, sản phẩm được chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn như: vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 1.200ha sản xuất rau an toàn VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sản xuất rau trái vụ; vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng CNC trong chế biến, diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 2.000ha... Lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có hơn 770 trang trại; trong đó, có khoảng 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHCN vào sản xuất; 168 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm; 56 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 36 trang trại chăn nuôi VietGAP.
Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn ở mức thấp, lĩnh vực chế biến bảo quản ứng dụng CNC chưa phát triển. Việc tích tụ đất đai để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Thái Nguyên, việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC cần nguồn vốn đầu tư lớn và trình độ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu. Do vậy, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ từ Trung ương để tỉnh triển khai mở rộng quy mô các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Thái Nguyên tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên với quy mô 154,36ha./.
Theo nhandan.com.vn