Ngày 27-6, Công ty TNHH Hải Sơn (Đức Hòa, Long An) đã tổ chức lễ khởi công đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hải Sơn - Đức Hòa Đông với tổng diện tích 261ha tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Đây là khu, cụm công nghiệp thứ 5 tại Long An được khởi công xây dựng sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Cụm công nghiệp Hải Sơn - Đức Hòa Đông là chủ đầu tư thứ 5 thực hiện việc khởi công xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Long An chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng sau đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Long An đã có 32 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp Việt Nam. Trong số này đã có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Để đạt được thành công này là do Long An có vị trí thuận lợi là cửa ngõ từ miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và có hệ thống hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, đặc biệt là các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ N2, các đường tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh như 823, 824, 825...., đặc biệt là hệ thống cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động. Hiện tỉnh Long An đang tiếp tục đầu tư lớn trong phát triển hệ thống công nghiệp - thương mại - đô thị - dịch vụ - dân cư đô thị.
Ninh Thuận: Triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác cải cách hành chính
Nhờ quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác cải cách hành chính của tỉnh Ninh Thuận đã có chuyển biến tích cực, toàn diện. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã hoàn thành 25 trong số 48 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 52%) theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh. Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có tất cả 40 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch cải cách hành chính; 35 trong số 40 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính và phát động phong trào thi đua theo chuyên đề; 30 trong số 40 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính.
Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực đầu tư tập trung phát triển các nhóm, ngành trụ cột có lợi thế; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở các cấp, ngành. Các cơ quan trong tỉnh tiếp tục thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với ngành, lĩnh vực và thực hiện quy chế đối thoại giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung cải cách thể chế; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động; cải cách mạnh mẽ tài chính công, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kinh phí hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước./.
Theo nhandan.com.vn