Cần Thơ: Đẩy mạnh phát triển ngành du lịch

07:05, 07/05/2020

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 1051 về việc phục hồi, phát triển ngành du lịch sau dịch COVID-19, với những dự báo về thị trường, các kịch bản ưu tiên và bốn giải pháp trọng tâm. Theo đó, đối với khách nội địa, thành phố Cần Thơ hướng tới thu hút du khách là những người trẻ; tập trung vào các thị trường gần như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương ở xa hơn như Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh có đường bay nối kết với thành phố Cần Thơ. Ưu tiên tiếp theo là các thị trường quốc tế trọng điểm có gắn kết đường bay với thành phố Cần Thơ như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái-lan...

Lào Cai: Chi 4.200 tỷ đồng xây cảng hàng không Sa Pa

Tại văn bản trình Thủ tướng xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai dự kiến tổng số vốn là 4.200 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Lào Cai, dự án cảng hàng không Sapa sẽ được đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 1,5 triệu hành khách/năm; xây dựng đường giao thông kết nối cảng hàng không với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô 2 làn xe.

Số tiền 4.200 tỷ đồng đầu tư dự án sẽ được huy động từ vốn ngân sách địa phương, vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 1.200 tỷ đồng. Phần kinh phí Nhà nước tham gia trong dự án theo hình thức vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án. Hỗ trợ cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường trục vào cảng, tháp không lưu và một phần san tạo mặt bằng (bao gồm cả phần xây lắp và các chi phí liên quan). Dự án cảng hàng không Sa Pa sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 11,02%, tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C): 1.033, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 11,7%. Thời gian hợp đồng dự án: 50 năm. Trong đó, thời gian xây dựng dự kiến 4 năm.

Hà Nội: Thu hút 235 dự án đầu tư nước ngoài

Bốn tháng đầu năm nay, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố đạt 981,5 triệu USD, trong đó, có 235 dự án cấp mới với số vốn đăng ký 324 triệu USD; 53 lượt dự án tăng vốn với số vốn bổ sung 365 triệu USD và 292,5 triệu USD là vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong tháng 4, Hà Nội có 50 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 35 triệu USD, trong đó có 40 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 10 dự án liên doanh, liên kết. Về thu hút đầu tư trong nước, bốn tháng qua, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư bốn dự án vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư 5.130 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 15 dự án, với số vốn tăng 3.320 tỷ đồng. Thành phố cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp cho 7.165 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 110.197 tỷ đồng, giảm 12% về số lượng doanh nghiệp và tăng 50% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 286.096 doanh nghiệp./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com