Ðể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, tỉnh Hà Nam đã triển khai đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Sau một thời gian triển khai, đề án đã cho thấy hiệu quả trong thực tế.
Ðến nay, Hà Nam đã bố trí 100% số công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã. Lực lượng này luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu trau dồi nâng cao kiến thức về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ; đã bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an bán chuyên trách ở các thôn xóm, giải quyết có hiệu quả các vụ việc ngay tại cơ sở, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong quá trình công tác, lực lượng công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các kế hoạch công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; trực tiếp vây bắt tội phạm trong gần 100 vụ, trong đó khoảng 30 vụ liên quan tàng trữ trái phép chất ma túy; răn đe, cảm hóa, giáo dục hơn 400 lượt đối tượng, tập trung vào số đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện tụ tập khả năng sẽ diễn ra vụ việc vi phạm pháp luật; duy trì công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Hà Tĩnh: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân vận
Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hành động, phấn đấu đạt kết quả nổi bật về công tác dân vận trong năm 2020, Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần gắn với thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác dân vận, quyết tâm tạo sự chuyển biến về chất trong nội dung “Dân vận khéo”. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo Luật Tiếp công dân, quy định tiếp dân của Trung ương và tỉnh. Tập trung giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân; khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tập trung rà soát, kiểm tra, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm gắn với tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, các đơn vị chú trọng chấn chỉnh thái độ phục vụ, thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020./.
PV