Đồng Nai: Điều chỉnh gói thầu mua khẩu trang, giảm gần 1 tỷ đồng ​

07:04, 28/04/2020

Tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định điều chỉnh tổng giá trị gói thầu mua sắm khẩu trang y tế, dụng cụ đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn cho các trường học, giảm từ mức gần 13,9 tỷ đồng còn gần 13,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, gói thầu khẩu trang y tế với giá từ 3.300 đồng/cái xuống còn 1.900 đồng/cái, giảm 867 triệu đồng. Trước đó ngày 26-3, UBND Đồng Nai ban hành văn bản về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm khẩu trang y tế, dụng cụ đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn, để trang bị cho các trường công lập từ bậc mầm non đến THPT và các sở, ban, ngành với tổng giá trị gói thầu là gần 13,9 tỷ đồng, bao gồm 3 gói: gói khẩu trang y tế hơn 2 tỷ đồng, gói dụng cụ đo thân nhiệt 9,2 tỷ đồng và nước rửa tay diệt khuẩn với tổng trị giá 2,6 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu khẩu trang y tế có số lượng gần 620 nghìn cái, xuất xứ Việt Nam, thành phần gồm gạc không dệt, màng lọc khuẩn, đóng gói 1 cái/gói; đơn giá là 3.300 đồng/cái.

Cần Thơ: Triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm, thành phố Cần Thơ đã triển khai có hiệu quả công tác cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; giúp nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh khởi nghiệp thành công… Đến nay, nguồn vốn cho vay thuộc chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của thành phố đạt 327 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng so với năm 2003 (tăng bình quân gần 20 tỷ đồng/năm); đã giải ngân cho 23.900 dự án vay vốn với tổng số tiền 606 tỷ đồng, trong đó có 2.264 dự án phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng với số tiền là 110 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương. Chương trình đã tạo việc làm cho hơn 24 nghìn lao động trên địa bàn.

Qua chương trình cho vay, đã có những mô hình, dự án làm ăn hiệu quả góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các mô hình đều mang lại cho các hộ kinh doanh nguồn thu nhập từ hàng chục cho đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bắc Giang: Chuẩn bị xuất khẩu vải thiều tươi sang Nhật Bản

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của phía Nhật Bản. Cùng với việc rà soát, cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn, đúng tiêu chuẩn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép, ghi nhật ký sản xuất… Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 28.100ha, sản lượng dự kiến khoảng 160 nghìn tấn. Theo đó vải sớm khoảng 6.000ha, sản lượng khoảng 45 nghìn tấn; vải thiều chính vụ hơn 22 nghìn ha, dự kiến sản lượng khoảng 115 nghìn tấn. Thời gian qua, Bắc Giang đã mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt VietGAP lên 14.300ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 80ha. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng có 200ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ./.

Theo vov.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com