Vừa mới công bố hết dịch tả lợn châu Phi (TLCP) trên toàn tỉnh vào tháng 2 thì đến nay, dịch bệnh này đã lại tái bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ảnh hưởng việc tái đàn lợn, gây áp lực lên việc cung ứng thực phẩm trong hoàn cảnh phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương này.
Cán bộ Thú y tiêu hủy lợn nhiễm dịch TLCP ở thôn Bản Súng, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, nguy cơ tái bùng phát bệnh TLCP ra các địa phương là rất lớn do giá thịt lợn đang ở mức cao, do vậy một số hộ đã nuôi tái đàn trở lại; đa số các hộ chăn nuôi chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị bệnh TLCP, trong khi công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ thực hiện chưa tốt, đặc biệt tại những vùng đã xảy ra dịch bệnh năm 2019. Để dập dịch, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương khẩn trương khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi cấp thôn, xã; rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn tại vùng ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; công bố dịch bệnh theo quy định; tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh, không để lan rộng ổ dịch.
Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn khiến hơn 10 nghìn ha lúa bị đổ ngã, ngập úng
Ngày 14-4, Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa lớn kèm gió mạnh, khiến hơn 10 nghìn ha lúa đông xuân bị ngã đổ và hơn 4.100ha bị ngập úng. Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm: huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy.
Thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28 nghìn ha, đến thời điểm hiện tại, lúa đang trong giai đoạn trổ bông và bắt đầu chín. Diện tích lúa bị đổ ngã do mưa chiếm khoảng 30% diện tích gieo cấy toàn vụ. Lúa bị ngã có số chuẩn bị thu hoạch trong 5-10 ngày tới, còn phần lớn đang ngậm sữa, do đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng gạo. Hiện nay, Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các phòng nông nghiệp, địa phương, hợp tác xã tăng cường giúp nông dân triển khai bơm tháo úng, phun thuốc trừ rầy. Đối với diện tích lúa chín, hạt đã chắc trên 85%, các địa phương tiến hành thu hoạch nhanh với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại./.
Theo nhandan.com.vn