An Giang hiện là tỉnh đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong xã hội hóa giống lúa. Phong trào nhân giống lúa cộng đồng tại An Giang bắt đầu từ năm 2004, đến năm 2019 vẫn duy trì ổn định về diện tích, sản lượng.
Kỹ sư Công ty cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Phú Thọ) kiểm tra mô tế bào cây lâm nghiệp tại phòng thí nghiệm. |
Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 26 nghìn ha đến 31 nghìn ha nhân giống lúa với 160 tổ nhân giống, thu hút 4.500 đến 6.000 lao động. Tỉnh có khả năng cung cấp từ 150 đến 164 nghìn tấn giống lúa mỗi năm. Đây là kết quả của 10 năm thực hiện đề án “Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn tỉnh; xác định lúa gạo là một trong ba ngành hàng chủ lực theo định hướng của “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Từ đó, tỉnh đã chú trọng khâu sản xuất giống lúa nhằm bảo đảm năng suất, sản lượng, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu; triển khai chương trình cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, kêu gọi đầu tư; tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân, hợp tác xã, tạo tiền đề đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuỗi hàng hóa lớn. Hiện tại, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, 25 tổ chức đại diện nông dân như: hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia thực hiện liên kết. Thời gian tới, An Giang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường; trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm; Nhà nước giữ vai trò kiến tạo bằng các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển.
Quảng Trị: Hỗ trợ các mô hình sản xuất
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì, bảo đảm tính bền vững của các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất... Để tạo thêm nguồn vốn thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo, tỉnh đã thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Tỉnh cũng phát triển các dự án, mô hình an sinh xã hội nhằm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế. Hiện Quảng Trị có 29 xã và 12 thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 ở địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đa Krông, Gio Linh và Vĩnh Linh. Theo tính toán, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh cần hơn 117 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các mô hình, dự án. Số vốn này để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cộng đồng.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tỉnh đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều địa phương đã huy động vốn từ các nguồn để đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất tăng thu nhập. Người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, người dân đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như trồng cao-su, nuôi lợn, trồng chuối, trồng và bảo vệ rừng./.
Theo nhandan.com.vn