Khai mạc Phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

06:04, 20/04/2020

Sáng 20-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp lần thứ 44 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp thứ 44 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 28-4. 

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: UBTVQH ghi nhận đánh giá cao tinh thần của Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp bất thường của UBTVQH cho ý kiến về việc hỗ trợ đời sống nhân dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. 

Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về: dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (lần 2); dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về: Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Học viện Tài chính; báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

UBTVQH dự kiến sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Trong chương trình làm việc, dự kiến UBTVQH cũng xem xét các nội dung nếu đủ điều kiện: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai; Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Xem xét, quyết định việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hàng năm từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND thành phố Đà Nẵng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế (thành phố Đà Nẵng).

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hiện được xây dựng với bố cục gồm 11 chương với 108 điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý Nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật này áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. 

Tại phiên họp, UBTVQH đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật liên quan đến: Các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); quy mô đầu tư dự án PPP; hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP; lĩnh vực đầu tư dự án PPP; tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP...

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP (khoản 1 Điều 5), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 5 nhóm lĩnh vực thể hiện tại Khoản 1 Điều 5 với các lý do lựa chọn các lĩnh vực này như trong bản đầy đủ của dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 5 để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 5 nhưng cần thiết, đáp ứng 4 điều kiện và có khả năng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi với một số lĩnh vực khác, đồng thời đề nghị không quy định Khoản 2 Điều 5.

Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), theo ông Vũ Hồng Thanh, sau phiên họp thứ 43 của UBTVQH, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất 2 phương án. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách, có 9 ý kiến nhất trí phương án 1, 7 ý kiến nhất trí phương án 2.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 19), sau phiên họp thứ 43 của UBTVQH, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất 2 phương án. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các ĐBQH chuyên trách, có 7 ý kiến nhất trí phương án 1, 7 ý kiến nhất trí phương án 2.

Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86), theo ông Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. 

Do đó, hướng tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau: (i) Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; (ii) kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 73 của Luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 71 của Luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này; (iii) kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP; (iv) khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Đề cập đến vấn đề về vốn Nhà nước trong dự án PPP (mục 1 Chương VI), ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự án Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung chức năng cho Quỹ tích lũy trả nợ quy định tại Luật Quản lý nợ công để thực hiện nhiệm vụ xử lý rủi ro phần giảm doanh thu thay cho việc sử dụng vốn Nhà nước, tuy nhiên việc bổ sung chức năng cho Quỹ tích lũy trả nợ chưa được đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, ngoài ra chưa được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, về các quy định đối với hợp đồng BT, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách Nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan nhằm minh bạch hơn nữa trong quản lý, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra đối với việc triển khai thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hợp đồng BT về bản chất không phải là hợp đồng PPP, đề nghị không quy định trong dự thảo Luật.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên UBTVQH để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật cũng như hoàn thiện báo cáo giải trình dự án luật để gửi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội sau đó gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com